Multimedia Đọc Báo in

Bộ GD-ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022

15:43, 28/08/2021

Ngày 28-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

tt
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Năm học 2020 - 2021, dịch COVID-19 bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT.

Trước tình hình đó, ngành GD-ĐT đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian ở nhà; tinh giản nội dung, chương trình học kỳ II đảm bảo những nội dung cót lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt nội dung dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học; thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép vừa tham gia tích cực trong phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. 

Ngành GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học theo hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT); nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên; chất lượng giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao với việc 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải tại cuộc thi Olympic 2021. 

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh. Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021 có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, năm học 2020 - 2021 còn một số hạn chế như: việc dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; việc sắp xếp lại cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế…

Các đơn vị, địa phương tham dự Hội nghị trực tuyến. (Ảnh chụp qua màn hình)

Năm học 2021 - 2022, ngành GD-ĐT tập trung thực hiện việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GD-ĐT; chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với diễn biến dịch COVID-19; tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6; tiếp tục thực hiện các quy định về triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí yêu cầu toàn ngành không chủ quan lơ là, bám sát thực tiễn để chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch.

Đồng thời cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đổi mới giáo dục căn bản tất cả các cấp học; thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giáo dục, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Cùng với đó là hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa, giáo viên mầm non; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung thiết bị dạy học giúp việc dạy và học đạt hiệu quả; cần có giải pháp để học sinh hứng thú với môn Lịch sử; tăng cường dạy học Ngoại ngữ gắn với đổi mới sáng tạo…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.