Multimedia Đọc Báo in

Trầm lắng thị trường vé máy bay dịp Tết

08:13, 19/12/2022

Chỉ còn hơn một tháng nữa đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng thị trường vé máy bay dịp này vẫn trầm lắng, số chỗ ngồi trên các chặng bay còn nhiều.

Để phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, từ tháng 8/2022 các hãng hàng không bắt đầu mở bán vé dịp cao điểm này. Năm nay, dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường, nên giá vé máy bay đều được điều chỉnh tăng lên, thậm chí một số chặng giá vé tăng rất cao.

Đơn cử như chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội của Hãng Vietnam Airlines (VNA) ngày cao điểm 18/1/2022 (tức ngày 26 tháng Chạp) có giá gần 3,6 triệu đồng/vé. Mức giá thấp nhất của chặng này vào thời gian cao điểm (từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp) của Hãng Vietjet Air cũng từ hơn 2,3 triệu đồng/vé. Tương tự, chặng Buôn Ma Thuột – Vinh giá dao động từ 2,4 - 2,5 triệu đồng/vé trong thời gian cao điểm từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp. Cao nhất vẫn là chặng TP. Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp, một số ngày giá vé hạng thương gia của Hãng Bamboo Airways lên tới 4,5 triệu đồng/vé, còn Hãng Vietjet Air giá “mềm” hơn nhưng cũng xấp xỉ 1,9 triệu đồng/vé.

Hành khách ở khu vực ga đến tại Sân bay Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, chiều ngược lại, giá vé các chặng tăng cao vào thời gian từ mùng 5 đến mùng 8 tháng Giêng. Cụ thể, chặng Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh dao động từ 1,8 - 3,8 triệu đồng/vé; chặng Vinh – Buôn Ma Thuột giá vé dao động từ 2,4 - 2,6 triệu đồng; chặng Hải Phòng – Buôn Ma Thuột có giá trên 3 triệu đồng/vé.

Ông Nguyễn Tất Danh, Trưởng Chi nhánh Hãng VNA tại Buôn Ma Thuột cho biết, theo quy luật, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán hằng năm đều tăng cao, kéo theo giá vé cao. Tuy nhiên, dịp Tết thường có đặc thù chỉ bay một chiều, theo đó trước Tết chiều từ Nam ra Bắc tăng cao, ngược lại sau Tết chiều từ Bắc vào Nam sẽ tăng cao. Tình hình bán vé Tết của Hãng VNA trong dịp Tết năm nay tăng nhiều ở các trục bay chính từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Đà Nẵng, còn các trục địa phương cụ thể như TP. Hồ Chí Minh – Vinh, TP. Hồ Chí Minh – Quy Nhơn có tăng nhưng không đáng kể. Còn các đường bay đi, đến Buôn Ma Thuột dịp Tết năm nay dự đoán tần suất không tăng nhiều, bởi bị giới hạn Slot (là khoảng thời gian mà Cục Hàng không Việt Nam phân bổ cho các hãng hàng không cất, hạ cánh). Hiện tại, hãng mới có kế hoạch tăng chuyến đối với chặng TP. Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột (trước Tết hai tuần) và Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh (sau Tết hai tuần), dự kiến tăng khoảng 22 chuyến đối với hành trình này. Tuy nhiên, kế hoạch này phụ thuộc vào khả năng Slot của các sân bay. Việc hạn chế Slot ảnh hưởng đến kế hoạch tăng chuyến của hãng, đơn cử như chặng Buôn Ma Thuột – Vinh thường vào dịp Tết nhu cầu đi lại khá cao, ban đầu hãng đã có kế hoạch khai thác dịp cao điểm Tết đối với chặng này, nhưng do không sắp xếp được Slot nên hiện tại chưa mở bán vé. Nếu các chuyến bay được tăng cường thì giá vé sẽ “mềm” hơn. Cũng theo nhận định của đại diện Hãng VNA tại Buôn Ma Thuột, thông thường thị trường vé máy bay dịp Tết ở các đường bay đi, đến Buôn Ma Thuột sẽ sôi động từ giữa tháng Chạp âm lịch trở đi, bởi đây là thời điểm hành khách đã có kế hoạch nghỉ Tết cụ thể.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, Hãng Vietjet Air hiện đang khai thác 6 đường bay từ Buôn Ma Thuột, cụ thể Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh 2 chuyến/ngày; Buôn Ma Thuột – Hà Nội 2 chuyến/ngày; Buôn Ma Thuột – Vinh 1 chuyến/ngày; Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng 1 chuyến/ngày; Buôn Ma Thuột – Thanh Hóa 3 chuyến/tuần và Buôn Ma Thuột – Hải Phòng 4 chuyến/tuần. Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hãng dự kiến tăng cường 1 chuyến/ngày đối với chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội (dịp trước Tết) và Hà Nội – Buôn Ma Thuột (sau Tết); chặng TP. Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột (trước Tết) và Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh (sau Tết). Đối với các chặng còn lại vẫn duy trì tần suất như ngày thường. Hiện số chỗ ngồi các chặng bay của hãng vào thời gian cao điểm phục vụ Tết còn nhiều.

Khảo sát qua các đại lý bán vé và trên các web, số lượng vé mở bán các chặng đi, đến Buôn Ma Thuột còn nhiều. Tuy nhiên do giá cao, nhiều hành khách vẫn chưa vội đặt vé. Chị Nguyễn Thị Hà (huyện Krông Pắc) chia sẻ, chị có hai con trai đang làm và theo học ở Hà Nội, các năm trước, dịp trước Tết, chặng bay Hà Nội – Buôn Ma Thuột giá vé chỉ khoảng 1 triệu đồng/vé, năm nay giá dao động từ 1,8 - 2 triệu đồng nên chị chưa đặt. Tương tự, gia đình chị anh Nguyễn Anh Tuấn (TP. Buôn Ma Thuột) dự định về quê (tỉnh Nghệ An) đón Tết, nhưng với giá vé hiện tại đối với chặng Buôn Ma Thuột – Vinh khoảng 2,5 triệu đồng/vé, nên anh vẫn còn chần chừ. Bởi với bốn thành viên, tổng số tiền vé khứ hồi mà anh bỏ ra để bay chặng này hết khoảng 20 triệu đồng. Nếu giá vé không xuống, anh sẽ lên kế hoạch di chuyển bằng xe con cá nhân để đỡ chi phí.

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch tăng chuyến dịp Tết Quý Mão 2023, với mức tăng hơn 8.000 chuyến bay và tăng gần 1,7 triệu ghế... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay các chặng đều đang ở mức khá cao nên thị trường vé Tết chưa thật sự sôi động.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.