Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi ngày hè cho trẻ: Đến hẹn lại... lo!

09:14, 16/07/2023

Nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ em được thỏa sức vui chơi sau một năm học tập. Thế nhưng để có các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ lại đang là vấn đề khó, bất kể địa bàn nông thôn hay thành thị. Thiếu sân chơi cho trẻ em - một câu chuyện không mới, nhưng lại chưa bao giờ cũ.

Loay hoay tìm sân chơi cho trẻ

Ở hầu hết khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, dù có không gian rộng rãi nhưng lại thiếu địa điểm vui chơi tập trung, an toàn cho trẻ. Nghỉ hè, trẻ thường theo nhau đi chơi, không có sự quản lý của cha mẹ, người lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích.

Vợ chồng chị H’Linh Niê ở buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk) chia sẻ: “Ở vùng nông thôn, nhất là những địa bàn xa trung tâm xã, trẻ con gần như chẳng có sân chơi đúng nghĩa nên chúng thường rủ nhau thả diều, đá bóng, trèo cây lấy tổ chim, đi bắt cá, hay ra ao, hồ tắm… Vẫn biết để con tự chơi là nguy hiểm, nhưng người dân nông thôn chúng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối với công việc nương rẫy, mùa màng nên gần như không có thời gian để quản lý, trông nom con trẻ”.

Trẻ em ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) rủ nhau chơi đá bóng.

Không chỉ ở nông thôn, thiếu không gian vui chơi cũng đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh ở thành phố. Hè năm nay, ngoài việc đăng ký học võ, bơi, chị Nguyễn Thị Tuyến Mai ở (tổ dân phố 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) còn ghi danh cho con học thêm âm nhạc. Các ngày trong tuần gần như kín lịch học, việc đưa đón con cũng choán hết thời gian. Chị Mai cho hay, khoảng thời gian các con được nghỉ ngơi chỉ có hai ngày cuối tuần, nhưng cũng chẳng biết chơi ở đâu vì trên địa bàn thành phố chỉ có một vài điểm vui chơi tập trung cho trẻ. Thế nhưng, cơ sở vật chất ở các điểm vui chơi này không bảo đảm, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ. Hơn nữa, các hạng mục vui chơi nhiều năm qua không được đầu tư mới, trở nên nhàm chán đối với trẻ.

Không có thời gian đưa đón con đi học như chị Mai, gia đình chị Đặng Hồng Hạnh (ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đành “quản lý” con bằng cách đăng ký cho con tham gia các lớp học thêm, sáng đưa đi chiều tối đón về như một hình thức gửi trẻ. Chị Hạnh chia sẻ: “Địa phương tuy có nhà văn hóa, nhưng thiếu trang thiết bị và người dẫn dắt tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ. Hơn nữa, nhà văn hóa lâu nay chỉ chủ yếu để tổ chức các cuộc họp, nên mặc dù có không gian dành cho cộng đồng nhưng lại thiếu sân chơi dành riêng cho trẻ”.

Để giải “bài toán” thiếu sân chơi

Hằng năm, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức Đoàn cấp dưới triển khai nhiều hoạt động hè cho thanh thiếu nhi, bảo đảm an toàn, lành mạnh, thiết thực. Trong đó có thể kể đến chương trình “Học kỳ trong quân đội”, "Học kỳ Hải quân”... mỗi năm 3 lớp với hơn 200 học sinh tham gia; tổ chức các lớp dạy trẻ kỹ năng an toàn trên môi trường mạng, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, dạy bơi miễn phí... Những ngày này, ở Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh cũng có rất nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con em mình tham gia lớp học năng khiếu và các môn văn nghệ, thể dục thể thao. Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã mở mới 27 lớp dạy võ, bơi, các môn năng khiếu như hội họa, múa, nhạc... với trên 1.000 trẻ tham gia.

Trẻ em tập bơi tại hồ bơi Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh.

Ngoài ra, những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn triển khai chương trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe” về tận các thôn, buôn, tổ dân phố trong tỉnh. Qua đó, lốp xe cũ được tận dụng để tái chế thành những đồ chơi bắt mắt, đặt ngay trong khuôn viên trường tiểu học, hoặc khuôn viên nhà văn hóa, giúp trẻ có sân chơi tập trung. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xây dựng được 32 điểm vui chơi từ lốp xe. Cùng với đó, từ năm 2018 đến nay, tổ chức Hội đồng Đội cấp xã trong tỉnh đồng loạt được thành lập, đã phát huy tốt vai trò tập hợp, hướng dẫn, xây dựng các hoạt động giúp trẻ có kỳ nghỉ hè vui vẻ, lành mạnh, an toàn. Điển hình như việc tổ chức các giải bóng đá thiếu nhi, dạy bơi, các hoạt động vui chơi văn nghệ...

Mặc dù các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể đã quan tâm, tạo thêm sân chơi cho trẻ em trong dịp hè. Song trên thực tế, do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nhiều địa phương chưa có khu vui chơi, giải trí cho trẻ nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động hè. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Doãn Tới cho biết, hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có nhà văn hóa song thiết chế văn hóa, trang thiết bị, nhân lực quản lý còn thiếu và yếu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; phần lớn các điểm vui chơi cho trẻ theo chương trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe” sau khi được giao về địa phương lại không ai quản lý, bảo vệ nên chỉ một thời gian ngắn đã bị hư hỏng, mất trộm... Trong khi đó, những điểm công cộng nói trên thường chỉ có số ít trẻ ở khu vực lân cận đến chơi, còn những địa bàn xa trung tâm thì gần như không tham gia.

Thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để giúp trẻ phát triển toàn diện, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích. Vì vậy, để giải quyết “bài toán” sân chơi cho trẻ trong dịp hè, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa và sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.