Multimedia Đọc Báo in

Tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến: Chưa được như kỳ vọng

08:39, 12/03/2024

Việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ số. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của công tác này mang lại chưa cao do còn tồn tại nhiều hạn chế.

Nhiều bất cập

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cung ứng tương đối đầy đủ dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh và triển khai nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến chưa cao, chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra do có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất phục vụ cho việc cung cấp, thực hiện TTHC toàn trình ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu là tại bộ phận một cửa cấp xã.

Hơn nữa, hiện nay có nhiều nền tảng, phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa được đồng bộ ổn định, còn thường xuyên xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết TTHC, làm mất thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, công chức một số lĩnh vực áp dụng song song hai phần mềm trong việc xử lý và giải quyết một hồ sơ làm cho khối lượng công việc tăng lên gấp đôi, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ cho công dân.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công nghệ thông tin còn thiếu nên việc khắc phục các sự cố, thiết kế biểu mẫu, công cụ hỗ trợ chưa được đầy đủ, kịp thời. Bộ phận triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, việc người dân quen nộp hồ sơ trực tiếp và trình độ công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận máy tính, mạng Internet còn thấp cũng gây khó khăn cho công tác hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến; một số tổ chức, cá nhân do thói quen và tâm lý e ngại vấn đề an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên vẫn muốn nộp hồ sơ trực tiếp.

Cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân nộp hồ sơ công trực tuyến.

Ông Y Cing Mlô, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ chia sẻ, hiện nay số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình của địa phương còn thấp, số lượng người dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến ít là do quy trình thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh còn phức tạp, phải thực hiện nhiều thao tác nên người dân khó nắm bắt. Hơn nữa hệ thống chưa cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử phù hợp với từng dịch vụ công, chưa có các hướng dẫn trực quan tương tác trực tiếp với người dùng để hỗ trợ trong quy trình nộp hồ sơ trực tuyến.

Nhiều TTHC có yêu cầu thành phần hồ sơ phức tạp, quy trình giải quyết cần kiểm tra trực tiếp tại cơ sở nên chưa đáp ứng đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Bên cạnh đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa hệ thống thông tin của các cơ quan, ban, ngành hiện nay vẫn chưa thực sự thông suốt, dẫn đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến có nhiều bất cập.

Các cơ quan chuyên môn tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến khó xác minh những thông tin được cá nhân, tổ chức cung cấp, khai báo trên hệ thống. Quan trọng hơn, công tác số hóa kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện triệt để. Hiện nay công tác số hóa chỉ thực hiện bước tạo các bản scan từ bản giấy, chưa có công cụ bóc tách dữ liệu, lưu trữ, quản lý và chia sẽ dữ liệu trong các hệ thống chuyên ngành.

Cần dựa trên nhu cầu của người dân

 

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 1.700 danh mục TTHC được cung cấp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến được 21,7%, không đạt mục tiêu đề ra (30%).

Trong thời đại 4.0, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những yêu cầu mang tính khách quan, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Do vậy, việc nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất cập và triển khai các giải pháp để thực hiện công tác này một cách hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách. 

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Gia Việt, để góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về vấn đề này để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn những lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình cung ứng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh rà soát và công khai các TTHC trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chuẩn hóa và xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định các TTHC có thể được cung cấp trực tuyến. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện, nâng cấp giao diện của cổng dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi và dễ thao tác...

Cán bộ tại Bộ phận một cửa UBND huyện Krông Ana theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến, giảm tỷ lệ người dân đến bộ phận một cửa. Đồng thời, cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến hiệu quả dựa trên nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân.

Bên cạnh đó, cần triển khai kết nối, tích hợp các phần mềm chuyên ngành và cơ sở dữ liệu do các bộ, ngành Trung ương triển khai với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đắk Lắk qua trục kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh theo quy định; hướng dẫn, tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, theo dõi các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, vận hành, cung cấp TTHC và sử dụng hệ thống iGate; thường xuyên rà soát khi có sự điều chỉnh, thay đổi, bổ sung về TTHC thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung quyết định công bố danh mục TTHC và quyết định ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC; tham mưu ban hành các chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.