Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Giải bài toán cho những chỉ tiêu "xương sống"

08:20, 09/04/2024

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng, phản ánh sự phát triển bền vững của nền kinh tế còn đạt thấp. Tập trung tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp căn cơ mới có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Nhiều chỉ tiêu đạt thấp hơn kịch bản tăng trưởng

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong quý I năm 2024, mặc dù giá trị tổng sản phẩm của tỉnh đạt hơn 12.333 tỷ đồng (bằng 19,14% kế hoạch, cao hơn 2,38% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra), nhưng một số chỉ tiêu quan trọng chưa được như kỳ vọng.

Đô thị Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư. Ảnh: Nguyễn Gia

Đáng chú ý là nhiều chỉ tiêu đạt thấp hơn kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra. Chẳng hạn như: giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ngành dịch vụ ước đạt gần 5.982 tỷ đồng, trong khi kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra là 6.166 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng ước đạt gần 2.030 tỷ đồng, kịch bản tăng trưởng là 2.336 tỷ đồng. Trong quý có 350 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, 150 DN tạm dừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động, nhưng lại có đến 70 DN giải thể, 500 DN ngừng hoạt động, cao so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.392 tỷ đồng (bằng 28,1% dự toán HĐND tỉnh giao), trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt thấp, mới được 378 tỷ đồng (bằng 12,1% kế hoạch), riêng cấp tỉnh mới thực hiện được 1,5 tỷ đồng (bằng 0,11% kế hoạch)…

Tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 (mở rộng) mới đây, các đại biểu đã chỉ rõ nguyên nhân của các chỉ tiêu đạt thấp. Bên cạnh tình trạng một số ít công chức, viên chức chưa trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc hiệu quả chưa cao thì tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn đến tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo. Các giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn trầm lắng làm giảm các khoản thuế, lệ phí.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực, OCOP, lưu niệm của địa phương tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: Mai Sao
 

Để tạo sự bứt phá trong năm 2024 và các năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 về Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm căn cứ để tỉnh hoạch định các chính sách dài hạn đối với những lĩnh vực cần tập trung ưu tiên phát triển, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực thu hút đầu tư”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Tháo gỡ khó khăn bằng giải pháp căn cơ

Phân tích rõ khó khăn trong công tác thu ngân sách, nhất là thu tiền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên khẳng định, để phấn đấu đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024, nhiệm vụ còn lại rất nặng nề. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành thuế cần phát huy hơn nữa việc quản lý các nguồn thu, nhất là giám sát việc thực hiện hóa đơn điện tử của các DN xăng dầu.

Đồng thời, triển khai thực hiện nội dung thư của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố về việc đề nghị tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương và hệ thống chính trị cùng hỗ trợ ngành thuế triển khai phát hành hóa đơn điện tử thông qua kết nối hợp pháp từ máy tính tiền.

Đây là chủ trương mới nhằm quản lý hóa đơn ngành xăng dầu và các ngành khác, bảo đảm không thất thoát nguồn thu. Đối với thu biện pháp tài chính, cần phát huy lợi thế về quỹ đất; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại để tổ chức bán đấu giá.

Để thúc đẩy ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng cũng như tạo điều kiện cho các DN của tỉnh phát triển ổn định, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phối hợp tháo gỡ những điểm “nghẽn”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tận dụng lợi thế, cơ hội của các công trình, dự án trọng điểm, chính sách ưu đãi đối với tỉnh Đắk Lắk, như: Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022; Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư bài bản, dài hơi nhằm chỉ đạo, triển khai thực hiện, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, quảng bá các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, tỉnh, các sở, ngành, địa phương tổ chức tốt việc gặp mặt, đối thoại với DN, nhà đầu tư; tiếp công dân định kỳ, giải quyết kịp thời khiếu nại, khiếu kiện, vướng mắc của người dân, DN; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy chế biến rác thải, chế biến nông - lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, dự án sân golf, hạ tầng đô thị.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.