Multimedia Đọc Báo in

Công trình đường tránh phía Đông Buôn Ma Thuột: Khẩn trương gỡ “nút thắt” mặt bằng

08:38, 31/05/2024

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là “nút thắt” chính, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị tỉnh Đắk Lắk huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án vào sử dụng.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột có chiều dài hơn 39 km, qua địa bàn các huyện gồm: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột; tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh hơn 1.841 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Còn những “nút thắt”

Chủ đầu tư Dự án cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được hơn 35 km (đạt gần 90%), còn lại 4,5 km chưa được bàn giao. Phạm vi mặt bằng còn "vướng" chủ yếu đoạn qua địa bàn huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột.

Theo UBND huyện Cư M’gar, dự án đi qua địa bàn huyện dài khoảng 5,8 km, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 5 km, còn lại 0,8 km chưa bàn giao do chưa thực hiện xong công tác bồi thường GPMB, bố trí tái định cư.

Cụ thể, dự án qua địa bàn huyện có nhiều thửa đất trước đây cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hệ thống bản đồ cũ nay có sự biến động về hình thể, diện tích so với hệ thống bản đồ địa chính chính quy mới được đo đạc dẫn tới việc xác định tính pháp lý của diện tích đất thu hồi gặp khó khăn.

Việc điều chỉnh bổ sung công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 16/11/2023 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy mô, địa điểm và danh mục công trình trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Cư M’gar, tuy nhiên hệ thống mương thoát nước của công trình tại 3 vị trí có diện tích khoảng 1,1 ha chưa có trong quy hoạch sử dụng đất bắt buộc phải cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất huyện đến năm 2030.

Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Trong quá trình thực hiện công tác đền bù GPMB, qua kiểm tra rà soát tổng diện tích cần thu hồi là 1,29 ha, tuy nhiên hiện nay diện tích đất phải thu hồi đã được HĐND tỉnh chấp thuận tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND, ngày 7/12/2023 là 0,52 ha, vì vậy kế hoạch sử dụng đất được chấp thuận thiếu 0,77 ha so với thực tế diện tích cần thu hồi. Hiện nay, UBND huyện Cư M'gar đang trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chỉnh bổ sung.

Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng cơ sở của điểm dân cư 1,3 ha (khu tái định cư) chưa triển khai được, dẫn đến công tác xác định giá đất tái định cư cũng chưa thực hiện được.

Còn tại TP. Buôn Ma Thuột có khoảng 36 hộ dân thuộc địa bàn xã Ea Kao chưa có giá đất cụ thể để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Với quyết tâm không thể để công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thời gian, nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường và GPMB, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, phát huy hiệu quả đầu tư.

Mặt bằng giao đến đâu thi công đến đó

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu UBND huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột khẩn trương phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư; thực hiện chi trả kịp thời cho các tổ chức, cá nhân thuộc diện thu hồi.

Mặt khác cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, mặt bằng giao đến đâu thi công đến đó phấn đấu hoàn thành dự án chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Thực hiện yêu cầu trên, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn, UBND xã Cuôr Đăng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện trong việc hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cũng như tái định cư.

Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện khẩn trương thi công hạ tầng cơ sở của điểm dân cư tái định cư, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ động tham mưu xây dựng giá đất tái định cư ngay sau khi có đủ điều kiện.

Một vị trí Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đang được hoàn thiện.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư và các phòng, ban thuộc UBND TP. Buôn Ma Thuột và UBND các xã đang thực hiện song song các bước để nhanh chóng hoàn thành công tác GPMB cho Dự án.

Về công tác thi công dự án, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, thi công ngay các đoạn đã có mặt bằng, phấn đấu hoàn thành công tác đắp nền K98, cấp phối đá dăm và tiến hành thảm bê tông nhựa C19 trong tháng 6/2024.

Yêu cầu tư vấn giám sát thường xuyên có mặt trên công trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu, thực hiện đầy đủ các thí nghiệm vật liệu theo quy định, kiểm soát chất lượng thi công các hạng mục công trình tuân thủ hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật.

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, Bộ yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, rà soát tổ chức hệ thống an toàn giao thông trên các đoạn hoàn thiện để bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Bộ GTVT khẳng định, đây là dự án được đầu tư phân kỳ với quy hoạch trong tương lai là đường cao tốc, do vậy Bộ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo vệ cọc tim tuyến để giữ đất cho việc xây dựng đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 và điều chỉnh cục bộ một số đoạn tại Quyết định số 2531/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2017, chống lấn chiếm, tuân thủ quy định và tiết kiệm kinh phí GPMB khi đầu tư hoàn chỉnh.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.