Multimedia Đọc Báo in

Nước mát, đồng xanh!

08:36, 13/05/2024

Đắk Lắk là tỉnh mạnh về nông nghiệp, một trong những địa phương thuộc "câu lạc bộ" có tổng sản lượng lương thực 1 triệu tấn/năm. Đây là thành quả của hành trình khai phá tiềm lực đất đai và khát vọng trị thủy phục vụ sản xuất.

Một thuở… "đánh bạc" với trời

Sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk bắt tay vào công cuộc tái thiết với nhiệm vụ lớn nhất là giải quyết tình trạng thiếu lương thực. Lúc đó, toàn tỉnh chỉ có 200 ha lúa, các loại cây lương thực khác cũng không nhiều, nên Trung ương phải thường xuyên cứu đói.

Trước tình hình này, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh khai thác nguồn lực đất đai, khai hoang xây dựng cánh đồng ở nhiều khu vực. Ngoài hai cánh đồng lớn nhất là Buôn Triết và Buôn Trấp rộng hàng vạn héc-ta, trong hai năm 1978 - 1979, tỉnh đẩy mạnh công tác khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, triển khai thêm 60 công trường khai hoang, khai phá được trên 50.000 ha.

Hồ Krông Pách thượng - Đại công trình thủy lợi do Trung ương đầu tư tại Đắk Lắk. Ảnh: Vạn Tiếp

Những cánh đồng được mở ra nhưng hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng nhiều, nên việc trồng lúa phụ thuộc vào nước trời. Theo lời kể của ông Đoàn Công Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana), vào những năm 1976 - 1980, người dân của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng theo sự vận động của Nhà nước đã vào vùng đất Quảng Điền làm kinh tế mới. Những ngày đầu ở đây,  máy bơm nước cho cây trồng chạy bằng than và công suất thấp; người dân phải dùng gầu để tát nước vào ruộng là chủ yếu. Người nông dân như "đánh bạc" với trời khi lúa chỉ sản xuất được một vụ, nhưng năm được, năm mất.

Ông Lê Văn Thành (thôn Buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) đi kinh tế mới lên Tây Nguyên từ năm 1987, với hành trang là kinh nghiệm trồng lúa của người Thái Bình. Lúc đầu, vợ chồng ông tìm cách khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa. Làm được mảnh ruộng, gieo sạ xuống thì chim chóc kéo đến phá, khi thì lũ bất ngờ tràn về, cuốn phăng đi tất cả. Sau những năm tháng chật vật cải tạo đất, chống chọi với thiên nhiên, rồi đất không phụ công người, ông bà cũng đã khai phá được 10 ha ruộng nước.

Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư, vựa lúa bên dòng sông Krông Ana ít bị thiệt hại bởi thiên tai và thường xuyên mang đến những mùa vàng cho nông dân. Ảnh: Minh Thông

Ông Nguyễn Công Huân (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp) nhớ lại: Năm 1977, ông đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), cùng với lực lượng thanh niên xung phong vào huyện Ea Súp với nhiệm khai khẩn vùng đất mới, đưa dân vào định cư, định canh. Hồi đó, bà con đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết trồng lúa rẫy, có trâu, bò nhưng không biết cày. Những cánh đồng được khai phá, giống lúa nước được đưa vào trồng. Khổ nỗi, trồng lúa mà không có nước thì bà con chả tin.

Có nước là có tất cả…

 

Đắk Lắk hiện là tỉnh có số lượng công trình thủy lợi lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Nghệ An), với tổng số 858 công trình (619 hồ chứa nước, 161 đập dâng và 78 trạm bơm), tỷ lệ đảm bảo tưới cho cây trồng dùng nước đạt gần 84%.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk năm 1978: “Trong công cuộc phát triển kinh tế ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, vấn đề quan trọng số một là giải quyết vấn đề nước. Có nước là có định canh, có những vùng dân cư mới; có nước là có lương thực, thực phẩm; có nước là có thâm canh và năng suất cao”. Do đó, cùng với chủ trương khai hoang, xây dựng các cánh đồng, định canh, định cư, tỉnh tập trung vào làm thủy lợi phục vụ sản xuất.

Cuối năm 1977, hồ thủy lợi Buôn Triết (huyện Lắk) được xây dựng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh thời điểm đó, phục vụ tưới cho 1.000 ha lúa phía nam sông Krông Ana. Phía bắc sông này là cánh đồng Buôn Trấp thì tiến hành đắp bờ vùng bờ thửa, đê ngăn lũ và xây dựng ba trạm bơm dọc sông chạy bằng dầu để lấy nước tưới.

Những năm sau đó, hàng chục công công trình thủy lợi nhỏ và vừa đã được xây dựng. Đặc biệt, năm 1977, tỉnh khởi công xây dựng công trình Krông Búk hạ. Đây là công trình thủy lợi quy mô lớn, đầu tư trên 100 triệu đồng (mức đầu tư rất lớn vào thời điểm đó), có thể chứa 140 triệu m3 nước, có khả năng phục vụ tưới cho 12.000 ha ở hạ lưu. Công trình này là niềm tự hào về sức lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh lúc bấy giờ. Đến năm 1980, diện tích tưới vụ đông xuân trên toàn tỉnh đã lên 9.000 ha trong đó có 7.500 ha lúa nước.

Một trong những dấu ấn trong công cuộc trị thủy tại tỉnh Đắk Lắk là công trình thủy lợi Ea Kao, xây dựng năm 1983. Ban đầu, đây chỉ là con đập nhỏ ngăn suối Ea Kao. Hồ thủy lợi này rộng 300 ha, tích nước từ các con suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim, tưới cho hàng nghìn héc-ta cây trồng khu vực Hòa Xuân, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) và vùng phụ cận. Mấy chục năm qua, công trình thủy lợi này vẫn vững chãi, thách thức với thời gian, chưa bị sự cố lớn nào.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị sát hồ thủy lợi Ea Kao. Ảnh: Minh Thông

Năm 2009, công trình đê bao Quảng Điền, sông Krông Ana được phê duyệt đầu tư, với mục tiêu là kiên cố hóa toàn bộ tuyến đê bao và bờ bao nhằm hạn chế sự phá hoại của mưa lũ, nhất là lũ tiểu mãn và lũ đầu mùa mưa, bảo đảm ổn định sản xuất và giao thông trong vùng. Công trình đưa vào sử dụng năm 2012 và hoàn thành các hạng mục năm 2014 đã bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, biến hơn 3.000 ha đất sản xuất lúa nước một vụ thành hai vụ ăn chắc, với năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hơn 1.800 hộ dân, với trên 9.000 nhân khẩu trong vùng và đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh nhà.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 680.000 ha cây trồng các loại, trong đó nhiều loại cây có diện tích và sản lượng đứng nhất, nhì cả nước và khu vực Tây Nguyên như cà phê, sầu riêng, lúa nước… Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Minh Thuận – Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.