Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ trên những cánh đồng

08:39, 20/05/2024

Đắk Lắk là vựa lúa lớn ở khu vực Tây Nguyên. Cây lúa đã mang lại sự no đủ cho hàng vạn người và giúp biết bao nông dân đổi đời. Trong hành trình của cây lúa ở vùng đất này, sức trẻ, khát vọng của nhiều thế hệ thanh niên đã in dấu đậm nét.

Thanh xuân để lại trên đồng

Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt với cảnh thiếu đói. Tỉnh ủy lúc ấy do đồng chí Trần Kiên làm Bí thư đã phát động phong trào khai hoang xây dựng cánh đồng Buôn Triết, Buôn Trấp nhằm giải quyết vấn đề lương thực, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời đưa người dân từ các địa phương khác lên đây xây dựng kinh tế mới.

Là vùng đất rộng, bằng phẳng, phì nhiêu, lại thuận lợi về nguồn nước nên Buôn Triết là một trong những nơi được chọn khai hoang xây dựng cánh đồng. Đây là vùng đầm lầy bên sông Krông Ana, rộng hơn 10.000 ha, lúc bấy giờ còn rất hoang vu, bạt ngàn lau sậy. Đầu năm 1978, quân, dân huyện Lắk, thị xã Buôn Ma Thuột và một số địa phương lân cận cùng cán bộ, công nhân viên các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh được huy động về khai hoang vùng đất này.

Do yêu cầu nhiệm vụ, Tổng đội Thanh niên xung phong Đắk Lắk được thành lập do Bí thư Tỉnh Đoàn Dương Thanh Tương làm Tổng đội trưởng, với nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa giải quyết FULRO. Đơn vị có khoảng 1.000 người, gánh trọng trách khai phá vùng đất hoang ở Buôn Triết và đưa dân Thái Bình vào trồng lúa nước.

Ông Tương nhớ lại: Lúc đó thanh niên ai cũng hăng hái, khí thế hừng hực, chỉ cần một tấm tăng nhựa che mưa nắng, một cái võng là xuống công trường. Thanh niên ngày thì phát dọn, khuân vác đất đắp bờ; đêm về phải thay nhau thức để đuổi chim trời, chuột đồng cắn phá. Lương thực, thực phẩm phải gùi hàng chục cây số mới đến công trường. Công việc nặng nhọc, nhưng cơm muối cá khô không đủ, lực lượng thanh niên phải ăn thêm sắn, bắp. Chưa kể, bệnh sốt rét hoành hành thường xuyên.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, có thanh niên đã hy sinh trên đồng vì tai nạn, nước cuốn. Với những thành tích xuất sắc, biến vùng đất hoang vu thành đồng ruộng, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Tổng đội Thanh niên xung phong Đắk Lắk sau đó vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba.

Chăm sóc lúa nước trên cánh đồng xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Ảnh: Minh Thuận

Khai hoang xong, hàng nghìn héc-ta ruộng được giao cho Nông trường 8/4 tiếp quản, sau đó, giao lại cho địa phương quản lý, sản xuất. Đồng ruộng tiếp tục được mở rộng nối liền từ các xã Buôn Triết, Buôn Tría của huyện Lắk sang huyện Krông Ana và Quảng Phú, Đức Xuyên (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Một số khu vực khác như Ea Súp, Krông Pắc... những cánh đồng cùng được khai phá, từng bước giúp tỉnh ổn định lương thực.

Nhờ ý chí, công sức, mồ hôi của biết bao người đổ xuống, cây lúa đã xanh lên khắp các cánh đồng. Năm 1980, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 7.500 ha lúa nước.

Đến nay, diện tích cây trồng này là hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn.

Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn ở các huyện Ea Súp, Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar. Ký ức về những ngày đi khai hoang, mở đất đến nay vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những thanh niên năm nào. “Thanh niên xung phong chúng tôi bây giờ người còn người mất.

Nhưng mỗi lần về lại “chiến trường xưa”, nhìn những cánh đồng lúa bao la trĩu hạt, những người dân giàu có khiến chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào”, ông Dương Thanh Tương chia sẻ.

Vựa lúa huyện biên giới Ea Súp vào mùa thu hoạch. Ảnh: Minh Thùy

Hát tiếp bài ca cây lúa

Trên những cánh đồng được khai phá, nhiều người trẻ đã có những cách trồng lúa mới và làm giàu trên đồng đất quê hương.

Đơn cử như anh Nguyễn Văn Thi (thôn Tân Giang, xã Buôn Tría, huyện Lắk). Từ nhỏ, anh đã theo cha làm nghề lúa nước. Năm 17 tuổi, anh Thi được cha chỉ dạy nghề làm lúa nước để phát triển kinh tế. Nghề làm lúa là nghề vất vả, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", thời điểm đó, nhiều bạn bè của anh chọn con đường rời quê đi thành phố lớn làm công nhân, học tập… nhưng anh vẫn kiên định ở lại với ruộng đồng.

Ban đầu, gia đình chia cho anh Thi mấy sào ruộng để khởi nghiệp. Cứ thế, nhờ tiền lãi từ trồng lúa mỗi năm, anh đầu tư mua thêm một ít đất ruộng để mở rộng sản xuất. Hiện nay, vợ chồng anh đã sở hữu 15 ha lúa. Anh Thi cho hay, trước đây do kinh nghiệm chưa nhiều, năng suất chỉ đạt 7 – 8 tạ/sào, sau khi trừ chi phí, anh thu được 45 triệu đồng/ha.

Chưa kể có những năm mưa lũ kéo dài khiến gia đình anh mất trắng. Để làm lúa đạt hiệu quả cao, bên cạnh kinh nghiệm gia truyền, anh đọc thêm sách báo, tham gia các hội thảo đầu bờ, tìm các loại giống lúa có năng suất và chất lượng tốt để áp dụng vào thửa ruộng của gia đình mình. Bên cạnh đó, anh chủ động hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng lúa.

Từ ba năm nay, anh Thi đưa vào trồng các loại giống mới như ST24, ST25, Đài thơm 8… năng suất trung bình đạt trên 10 tấn lúa tươi/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về 120 – 130 triệu đồng/ha. Lúa sau khi thu hoạch được thương lái tìm đến thu mua. Cây lúa đã cho anh cuộc sống khấm khá.

Những ruộng lúa mát xanh trên cánh đồng Buôn Triết. Ảnh: Minh Thùy

Hợp tác xã (HTX) Giảm nghèo Ea Súp được thành lập bởi anh Nguyễn Việt Đức – một người trẻ đam mê trồng lúa. Đây là đơn vị tiên phong ở địa bàn huyện biên giới sản xuất lúa bằng phương pháp hữu cơ.

Khi mới thành lập năm 2019, lãnh đạo HTX đã đi tìm hiểu, học hỏi quy trình sản xuất lúa tại các vùng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và trồng thử nghiệm giống lúa briêt (lúa đen) theo quy trình hữu cơ.

Vụ lúa đầu tiên không hiệu quả do lúa chăm sóc theo quy trình hữu cơ dài ngày hơn nên gặp nhiều nguy cơ về gió lốc, động vật phá hoại lúc gần thu hoạch và dễ gặp tình trạng thiếu nước do hạn hán. HTX phải điều chỉnh một số yếu tố, vận dụng sản xuất hữu cơ phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, nguồn nước tại địa phương.

Đến nay, canh tác lúa hữu cơ tại HTX đã ổn định, lúa cho năng suất, chất lượng tốt. Đơn vị có 3 ha lúa đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, tiêu chuẩn hữu cơ JAS Organic (Nhật Bản) và đang tiến hành chuyển đổi 6 ha sang phương pháp canh tác này. Giá bán lúa này cao hơn các loại lúa thông thường 1,5 lần. Sản phẩm gạo briêt của HTX đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh và chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Từ sản phẩm gạo hữu cơ, HTX đã sản xuất một số sản phẩm khác như: bún, bánh gạo...

Anh Đức chia sẻ, đơn vị luôn xác định việc sản xuất các sản phẩm đặc sản theo quy trình hữu cơ là hoạt động mang giá trị cốt lõi. Bên cạnh sản xuất gạo đặc sản hữu cơ, HTX còn liên kết với 79 hộ dân sản xuất 121 ha lúa khác và hợp tác với doanh nghiệp ngoại tỉnh bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết người dân tăng diện tích trồng lúa hữu cơ, từng bước thay đổi tư duy, cách làm của người dân, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo địa phương.

Minh Chi - Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc