Multimedia Đọc Báo in

Hai mươi năm thắm tình kết nghĩa

08:28, 24/06/2024

Tròn hai mươi năm trước, tại buôn Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã diễn ra một buổi lễ đặc biệt – đó là Lễ kết nghĩa giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty Cổ phần Văn hóa Đắk Lắk với toàn thể người dân trong buôn.

Vòng xoang rộng mở, vòng đồng trao tay trong nồng hương rượu cần – đó là biểu tượng về niềm vui đại đoàn kết và cũng là lời hứa đồng hành, gắn bó cùng nhau trong hành trình xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc.

Góp sức đổi thay buôn làng

Lớp người độ tuổi trung niên ở buôn Ea Mấp đều nhớ rõ dấu mốc định canh, định cư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào những năm 1985 – 1987. Từ lối canh tác thô sơ, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, bà con được tiếp cận dần với các kỹ thuật canh tác mới. Hộ thì vào hợp tác xã trồng lúa, trồng mía. Hộ thì làm công nhân cho Nông trường Cà phê Ea Pốk. Nhiều hộ nhạy bén đã học hỏi kỹ thuật, được nông trường hỗ trợ về cây giống, nước tưới, chuyển đổi thành công nhiều diện tích trồng hoa màu một vụ sang trồng cà phê. Nhờ đó, những năm 1990, một số bà con đã có đời sống khấm khá, sớm mua được xe công nông, máy bơm nước, xe gắn máy…

Thế nhưng, trong buôn vẫn còn không ít bà con chậm đổi mới, tư duy lạc hậu, sinh đông con. Cùng với việc giá cả nông sản xuống thấp, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục trong khoảng năm 2001 – 2004 đã khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Một số bà con nhẹ dạ, cả tin đã nghe lời các thế lực thù địch xúi giục gây chia rẽ khối đại đoàn kết, làm mất trật tự, an ninh, xáo trộn nếp sống bình yên của buôn làng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng bò giống sinh sản cho hộ nghèo tại buôn Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar). Ảnh: Thanh Thủy

Được sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đầu năm 2004, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty Cổ phần Văn hóa Đắk Lắk đã nhanh chóng lập tổ kết nghĩa, cử cán bộ đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, phối hợp cùng hệ thống chính trị tại địa phương nắm bắt tâm tư, động viên, tuyên truyền để bà con hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng từ đó, nhiều công trình, phần việc thiết thực đã được hai đơn vị triển khai tại địa bàn buôn kết nghĩa, khích lệ tinh thần thi đua lao động sản xuất, nâng cao mọi mặt đời sống của người dân.

Anh Y Khăng Niê, một trong 10 hộ nghèo ở buôn Ea Mấp được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng bò giống vào năm 2019 nay đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang, kiên cố. Anh tâm sự, do đông con, đất đai sản xuất ít, anh từng bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục. Nhờ được tuyên truyền, giải thích các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vợ chồng anh đã giũ bỏ những suy nghĩ sai lầm, tập trung chăm sóc vườn tược, phát triển sản xuất. Ngoài trồng cà phê, lúa nước trên diện tích ruộng, rẫy của gia đình, anh nhận khoán đất của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk và làm thợ xây để kiếm thêm thu nhập.

Con bò giống của đơn vị kết nghĩa được cả gia đình anh vô cùng trân trọng. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, bò mẹ đã đẻ được 5 lứa và đang mang bầu lứa thứ 6. Năm 2022, anh bán 2 con bò được 30 triệu đồng, góp cùng tiền dành dụm của gia đình để xây dựng nhà ở mới. Cùng với niềm vui thoát nghèo, vợ chồng anh cũng thêm phần yên tâm khi 5 người con đã lập gia đình, có việc làm ổn định ở các nhà máy, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Con gái út đang học lớp 7 cũng thường xuyên được động viên nỗ lực học tập để có hành trang tri thức vững vàng.

Chung niềm cảm kích, bà H’Mép Niê bộc bạch, căn nhà ấm cúng bà đang ở là món quà đặc biệt ý nghĩa của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao tặng ngay trong đại dịch COVID–19. Hoàn cảnh của bà vô cùng đặc biệt khi vừa phải nuôi đứa cháu mồ côi mẹ, vừa nuôi hai con ăn học, trong đó có một người con mắc bệnh tim. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn ấy, năm 2021, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng trọn gói cho bà căn nhà cấp 4 với 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, tiếp thêm nguồn động lực để bà yên tâm lao động, vươn lên thoát nghèo.

Củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở

Ông Y Tha Mlô, Bí thư Chi bộ buôn Ea Mấp cho hay, từ chỗ “trắng” đảng viên vào năm 2004, chỉ một thời gian ngắn sau khi thực hiện chủ trương kết nghĩa, buôn đã thành lập được chi bộ và phát triển được những đảng viên đầu tiên. Đến nay, chi bộ buôn đã có 17 đảng viên, bồi dưỡng thêm 2 quần chúng ưu tú để thực hiện các bước xem xét kết nạp Đảng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng (giữa) trao quà Tết tặng hộ nghèo, cận nghèo buôn Ea Mấp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đỗ Lan

Bản thân ông Y Tha Mlô cũng là một trong những đảng viên được bồi dưỡng, kết nạp Đảng rất sớm của Chi bộ buôn Ea Mấp. Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Y Tha nhận thức rõ thủ đoạn của các thế lực thù địch nên đã tham gia Đội công tác phát động quần chúng, đến từng nhà lắng nghe, trao đổi, vận động, giải thích cho bà con hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng chính tiếng nói của đồng bào mình. Cũng từ đó, ông được bà con tin tưởng bầu làm buôn phó rồi được bồi dưỡng kết nạp Đảng vào năm 2005. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, không ngừng học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, ông Y Tha cũng đã từng trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng của thị trấn, từng là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Ea Pốk, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Pốk. Năm 2020, ông về hưu và tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ buôn.

Theo ông Y Tha Mlô, nhờ có một trong hai đơn vị kết nghĩa với buôn, cấp ủy chi bộ, ban tự quản, ban công tác Mặt trận buôn cũng như từng đảng viên luôn nhận được sự quan tâm, động viên, hướng dẫn sâu sát để hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở. Từ khi kết nghĩa đến nay, các cuộc sinh hoạt chi bộ của buôn luôn có sự tham gia của cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Qua đó, chi bộ được trao đổi về quy trình, cách thức để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, xây dựng nghị quyết phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những vướng mắc hay vấn đề phát sinh ở cơ sở, cấp ủy, ban tự quản buôn cũng chủ động liên hệ với cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để được giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ. Phong trào đoàn kết bảo vệ an ninh trật tự, giúp nhau làm kinh tế được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.

Toàn buôn hiện có 535 hộ và chỉ còn 24 hộ nghèo; tăng trưởng kinh tế ở mức khá; 98% con em trong độ tuổi đi học được đến trường; số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và qua đào tạo nghề ngày một tăng; tỷ lệ gia đình trẻ sinh con thứ ba trở lên ngày một giảm… Những kết quả tích cực ấy có sự đóng góp to lớn của hệ thống chính trị ở cơ sở cùng dấu ấn đậm nét của công tác dân vận mà đặc biệt là công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với buôn làng.

Từ năm 2004 đến nay, tổ kết nghĩa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty Cổ phần Văn hóa Đắk Lắk đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con buôn Ea Mấp với tổng kinh phí trên 840 triệu đồng. Trong đó có những phần việc nổi bật như: tặng 18 con bò sinh sản cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng 2 nhà Tình thương; tặng hơn 700 suất quà cho bà con khó khăn; tặng dàn âm thanh, bục phát biểu và tủ sách sử dụng trong nhà sinh hoạt cộng đồng…

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.