Sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu: Giải pháp nào căn cơ? (Kỳ 1)
Hiện nay, nhiều nông sản của Đắk Lắk đang góp mặt trong top 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của Việt Nam như: cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả.
Tuy nhiên, cùng với lợi thế là không ít những thách thức, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã khiến sản xuất nông nghiệp luôn đối diện tình trạng “đánh bạc với trời”, nguy cơ “mùa vàng” trở thành trắng tay trong phút chốc do thiên tai luôn tiềm ẩn.
Kỳ 1: Sản xuất đối mặt với sự khốc liệt của biến đổi khí hậu
Đắk Lắk vừa trải qua một mùa khô khắc nghiệt hơn mọi năm, với hàng nghìn héc-ta cây trồng bị khô hạn do thiếu nước tưới, nhất là các loại cây lâu năm như cà phê, sầu riêng. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất vườn cây cũng như thu nhập của người dân.
Những “vết hằn” của cơn đại hạn
Mặc dù đã bước vào đầu mùa mưa, nhưng đợt hạn khốc liệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vùng trồng cà phê của huyện Krông Năng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Năng, đã có trên 1.200 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước, trong đó có khoảng 1.000 ha cà phê.
Anh Lê Văn Trường (buôn Mrưm, xã Ea Hồ) cho biết, gia đình anh trồng 8 sào cà phê xen với sầu riêng, nguồn nước tưới cho vườn cây được lấy từ hồ chứa tại buôn Mrưm của xã. Tuy nhiên, chưa có mùa khô năm nào mực nước trong hồ giảm hụt nhanh như năm nay.
Đến giữa tháng 4, hồ đã cạn trơ đáy, các vườn cây tưới nước từ hồ này đều bị thiếu nước trầm trọng. Các hộ dân đào bới khắp hồ để tìm nguồn nước chống hạn, thậm chí chấp nhận hút bùn lên để giữ ẩm, duy trì sự sống cho vườn cây khi chờ mưa. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa cũng đến muộn hơn, vườn cà phê của gia đình anh và những hộ khác trong vùng đều đã bị vàng lá, khô cành, còi cọc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của niên vụ 2024 - 2025.
Tại hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) vào cuối mùa khô năm 2024, đơn vị quản lý phải đặt máy bơm nước từ mực nước chết để cứu lúa. |
Tại huyện Krông Búk, trong mùa khô vừa qua, toàn huyện có trên 900 ha cây trồng thiệt hại do thiếu nước tưới, chủ yếu là cây cà phê, với mức độ thiệt hại từ 30 - 50% là 186 ha; từ 50 - 70% là 599 ha; trên 70% là 117,7 ha.
Nguồn nước để chống hạn gặp rất nhiều khó khăn khi toàn huyện có 43 công trình thủy lợi thì có đến 9 hồ cạn kiệt, 18 hồ có mực nước dưới 50%. Nguồn nước mặt, nước ngầm, dòng chảy tại các con suối, khe nhánh và ao hồ trong dân, mạch nước ngầm trong giếng đào, giếng khoan có mực nước thấp, giảm dần so với thời điểm các năm trước.
Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn xem như là mất mùa, bởi mưa xuống cũng chỉ cứu được vườn cây, còn trái thì cơ bản đã hư hết. Niên vụ 2024 - 2025, cà phê Đắk Lắk sẽ tiếp tục bị giảm năng suất và sản lượng là điều khó tránh khỏi.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2023, mặc dù tổng lượng mưa toàn tỉnh đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm, tuy nhiên một số khu vực thấp hơn trung bình nhiều năm như: Ea H’leo (85,5%), Krông Năng (86,7%)...
Trong khi đó, thời kỳ mùa khô của năm 2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu là không mưa (cục bộ một số khu vực có mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh); lượng mưa toàn tỉnh trung bình đạt 71,7 mm, bằng 45% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Điều này cũng đã khiến nhiều khu vực bị thiếu hụt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trầm trọng, khiến khoảng 5.100 ha cây trồng các loại bị khô hạn; 1.348 hộ dân (với hơn 5.300 nhân khẩu) sử dụng nước giếng bị thiếu nước sinh hoạt.
Thời tiết ngày càng cực đoan hơn
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường… Nhất là tình hình nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Thiên tai đã làm 14 người thiệt mạng, mất tích; thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Nông dân trồng bắp sú ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) bị thiệt hại nặng do mưa đá. |
Riêng ở Đắk Lắk, ngoài đợt hạn khốc liệt trong mùa khô thì mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng tính từ cuối tháng 4/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 trận lốc tố, mưa đá, làm hư hỏng 8 nhà dân, hơn 340 ha cây trồng các loại bị hư hỏng nặng. Thiệt hại ước tính trên 25,7 tỷ đồng.
Theo dự báo về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2024 của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Hiện tượng này có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Trong khi đó, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết. Vì vậy, năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường. Mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.
Vườn cà phê ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) khô héo vì không có nước tưới. |
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ tháng 6 đến hết năm 2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 – 8/2024. Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo có khoảng 11 – 13 cơn trên biển Đông và 5 – 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 – 11/2024). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi như Tây Nguyên.
Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk cũng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn (cấp 1). Dự báo tác động của mưa lớn, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, hạ tầng cơ sở. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các sườn đồi dốc. Do đó, chính quyền địa phương và người dân cần có biện pháp phòng tránh đối với các loại hình thiên tai. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Năng lực ứng phó thiên tai: Yếu và thiếu các công trình hạ tầng
Minh Ngọc Thúy
Ý kiến bạn đọc