Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

08:06, 13/02/2023

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Với nhiều nông dân trong tỉnh, công tác bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững đang được chú trọng.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Anh Lê Văn Tâm (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những nông dân sử dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để mang lại hiệu quả. Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tham gia mô hình này, anh cho hay, anh có 5 ha trồng cà phê theo hướng hữu cơ. Quá trình canh tác, anh thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng "thuận tự nhiên", tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo anh, việc canh tác theo hướng hữu cơ có nhiều lợi thế, vừa giữ gìn được môi trường trong lành, nâng cao độ tơi xốp, bảo vệ cho đất, vừa giúp nông dân hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, lại tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc cây trồng, giá bán ra tăng hơn hai lần so với cách canh tác thông thường.

Vườn cà phê chăm sóc theo hướng hữu cơ của anh Lê Văn Tâm (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho năng suất cao.

Người dân ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có truyền thống trồng rau lâu đời, có tiếng. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh với hơn 100 thành viên tham gia trồng rau trên diện tích 25 ha, có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, cách thức canh tác đã có nhiều thay đổi, người dân đã quan tâm hơn đến việc sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho đất. Ông Nguyễn Công Nam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm chất lượng an toàn cho sản phẩm. Điều này đã tạo sự khác biệt so với cách làm cũ, thay đổi về nhận thức, kỹ thuật sản xuất trong bà con. Nhiều hộ còn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động... mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và bảo vệ môi trường sống.

Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương cũng thu hút sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể. Từ năm 2017, Huyện Đoàn Cư M’gar đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện triển khai mô hình “Hố thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật” đã qua sử dụng. Những hố thu gom được đặt ở các trục đường chính ra khu vực đồng, rẫy nên thuận tiện cho người dân trong việc thu gom tập trung chai, lọ đã qua sử dụng để đưa đi xử lý, tiêu hủy.

Khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại

Thực tiễn trong thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tạo nên thế mạnh cho sản xuất, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Các mô hình này cho thấy sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy và thay đổi thói quen canh tác của người nông dân, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nông sản làm ra theo hướng này cũng đã tạo được uy tín trên thị trường, thu về giá trị cao hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương. Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), phần lớn đất đai sản xuất nông nghiệp hiện nay đang có sự biến động lớn về lý, hóa tính và cả sinh học theo hướng tiêu cực và ảnh hưởng xấu cho việc canh tác nông nghiệp. Cụ thể, trong vòng 30 năm trở lại đây, đất canh tác độc canh cà phê ở Đắk Lắk đã bị chua hóa nhanh, bình quân độ pH của đất đã giảm từ 0,5 - 1,2 đơn vị, hàm lượng các cation kiềm thổ giảm 40 - 70%... Thoái hóa môi trường đất ở Đắk Lắk có nguyên nhân do canh tác nông nghiệp chưa hợp lý, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...

Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đi tiêu hủy.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, việc phát triển nông nghiệp tại tỉnh hiện đang đối mặt với thách thức trong phát triển bền vững. Một trong những giải pháp cần làm là định hướng phát triển và quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo cách tiếp cận cảnh quan trên nguyên tắc đa dạng sinh học, có biện pháp bảo vệ đất. Trước hết, cần chú ý vấn đề tái canh tác cà phê, phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật kết hợp với nông nghiệp chính xác, như: thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm, bón phân hợp lý, sử dụng các chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật công nghệ sinh học... kết hợp các biện pháp nông nghiệp "thuận tự nhiên", như: làm cỏ tối giản, sử dụng biochar để cải tạo pH đất, tưới nước chính xác dựa trên lượng bốc hơi nước của vườn cây...

Với mục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 18/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện thực hóa mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.