Multimedia Đọc Báo in

“Ươm mầm” tình yêu môi trường cho trẻ em

08:13, 09/06/2024

Giáo dục trải nghiệm theo hình thức phù hợp lứa tuổi góp phần “ươm mầm” tình yêu với môi trường cho các em nhỏ.

Hãy tái chế cùng tớ!

Trong chương trình trải nghiệm với chủ đề “Hãy tái chế cùng tớ!” vừa diễn ra tại Bảo tàng Đắk Lắk, các em thiếu nhi thực sự háo hức, trầm trồ khi bước vào tham quan Phòng Đa dạng sinh học với diện tích 300 m2, được trưng bày một cách độc đáo, sinh động với một bức ảnh lớn chụp Đắk Lắk từ vệ tinh giới thiệu vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và các tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh.

Không gian trưng bày đa dạng sinh học đem lại những trải nghiệm tuyệt vời về rừng và động vật rừng Đắk Lắk, tài nguyên thiên nhiên, thành tựu sản xuất cùng với những thông điệp về bảo vệ rừng, môi trường sống để phát triển bền vững.

Em Nguyễn Ngọc Minh Trang (lớp 5D, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên được trải nghiệm tham quan một nơi đặc biệt mà em rất ấn tượng và “nạp” thêm khối lượng kiến thức đầy thú vị, bổ ích về quê hương Đắk Lắk. Qua đó, em càng muốn góp phần nhỏ của mình để tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giá trị đa dạng sinh học hiện hữu tại nơi mình đang sinh sống”.

Các em thiếu nhi háo hức thiết kế chậu cây từ nguyên liệu tái chế.

Vẽ tranh, làm chậu cây từ vật liệu tái chế cũng là một trải nghiệm thú vị. Dưới đôi tay khéo léo và trí sáng tạo của các bạn nhỏ, những bìa carton, lá cây, hoa giấy rụng, phế phẩm nhựa… đã được “hồi sinh” trở thành bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc hay chậu cây xinh xắn với nhiều hình dạng khác nhau. Sau đó, các em được hướng dẫn trộn đất trồng cây ngay trong chính chiếc chậu mình vừa làm ra, rồi được đem về nhà chăm sóc.

Lần đầu tiên em Nguyễn Gia Tuệ Minh (lớp 1C, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân) được vẽ tranh trên bìa carton thay cho giấy thông thường, dùng chai nhựa đã sử dụng làm chậu cây. Những vật dụng phế phẩm không được chú ý bấy lâu nay lại được “tái sinh” lại bằng đôi tay của chính mình khiến em không giấu nổi niềm vui. Em phấn khởi khoe, sẽ mang bức tranh về nhà treo ở góc tập và chăm sóc chậu cây phát triển tốt. Đồng thời, sẽ rủ thêm các bạn tới nhà cùng vẽ thêm nhiều tranh, trồng thêm cây xanh từ vật dụng tái chế để trang trí thêm góc học tập thân thiện với môi trường.

Đi cùng ba đến tham gia chương trình trải nghiệm, em La Phương Mộc Trà (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) lúc đầu còn bỡ ngỡ, rụt rè, nhưng chỉ một lúc đã bị cuốn theo không khí sôi động cùng các bạn, say mê vẽ tranh, hào hứng tự tay làm chậu, trồng cây. Chương trình thực sự thu hút các em bởi thiết kế phù hợp lứa tuổi, đi từ cấp độ dễ (tham quan, tìm hiểu) đến khó (thực hành làm tranh bằng nguyên liệu tái chế) nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo, tư duy logic và ý thức bảo vệ môi trường cho các em nhỏ từ những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, đơn giản như việc tái sử dụng các nguyên vật liệu từ nhựa, phế phẩm thành những vật dụng hữu ích…

Xây dựng thói quen tự phục vụ

Những năm qua, việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường đã được ngành giáo dục thực hiện đồng bộ từ nhà trường đến gia đình, đặc biệt là ở bậc mầm non. Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường ở bậc mầm non được thực hiện thông qua việc cung cấp cho trẻ những kiến thức sơ đẳng về môi trường một cách phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ nhằm tạo dựng thái độ, hành vi đúng đối với môi trường xung quanh.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Việt Nguyên hướng dẫn trẻ tưới cây tại sân trường.

Tại Trường Mầm non Hoa Việt Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột), việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tại trường.

Các giáo viên đã lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường thông qua những hoạt động có chủ đích như: hướng dẫn trẻ vứt rác vào nơi quy định, khi nhìn thấy rác ở sân trường thì trẻ biết nhặt cho vào thùng rác, không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng; nhắc nhở khi nhìn thấy người khác xả rác không đúng nơi quy định; nhắc nhở người lớn không hút thuốc ở nơi công cộng và biết nói “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và ảnh hưởng tới môi trường”.

Nhà trường còn cho trẻ cùng tham gia các hoạt động tự phục vụ tại trường như: trực nhật, nhặt giấy rác, lá cây trên sân trường; hướng dẫn trẻ gieo hạt, trồng cây tại “vườn rau của bé”; tưới nước cho cây trong bồn hoa… Đây cũng là cách thức để nhà trường xây dựng không gian xanh trong trường học.

Bà Trần Thị Thùy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Việt Nguyên cho biết, trẻ mầm non ở độ tuổi dễ hình thành những thói quen tốt; tạo cơ sở cho việc phát triển nhân cách trong tương lai.

Do đó, thông qua các hoạt động cụ thể, giáo viên và phụ huynh cùng giúp trẻ hiểu và phân biệt được môi trường sạch và môi trường bẩn. Từ đó hình thành các thói quen lao động tự phục vụ hằng ngày tại trường, ở nhà như: lau dọn, sắp xếp gọn gàng đồ dùng, đồ chơi sau khi sử dụng xong; không vứt rác, đồ chơi bừa bãi; rửa tay sau khi đi vệ sinh xong; tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt hằng ngày…

Trẻ khám phá tranh tái chế từ hoa và lá cây tại Chương trình "Hãy tái chế cùng tớ" do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức.

Trên thực tế, việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là dạy trẻ cách thức bảo vệ môi trường mà bản thân bố mẹ phải là một tấm gương tốt để trẻ noi theo. Do đó, việc dạy trẻ bảo vệ môi trường từ những hoạt động hằng ngày cũng là cách thức để người lớn thực hành thói quen bảo vệ môi trường nhằm góp phần gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thanh Hường - Thiện Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.