Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp Đắk Lắk

08:23, 08/08/2024

Giữa tháng 7 vừa qua, Đại học Đông Á (phân hiệu Đắk Lắk) đã đăng cai chủ trì Hội thảo định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, thu hút sự tham dự của nhiều đại diện viện, ngành quản lý và nghiên cứu.

Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, mô hình nông nghiệp tuần hoàn gắn với định hướng kinh tế tuần hoàn là cơ hội mà cũng là thách thức của nông nghiệp Đắk Lắk.

Thay đổi thực trạng cũ

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh có trên 1,3 triệu ha đất tự nhiên, bằng 24% toàn vùng Tây Nguyên. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có trên 650 nghìn ha, tổng diện tích cây trồng đạt 679 nghìn ha, với nhiều cây trồng đứng đầu cả nước như cà phê (hơn 212 nghìn ha), sầu riêng (hơn 32 nghìn ha), ngô (gần 90 nghìn ha)…

Chăm sóc dưa lưới trong nhà kính tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Diện tích sản xuất nông nghiệp lớn này đồng nghĩa với số lượng phân bón và phụ phẩm, chất thải ở địa bàn rất cao: phân bón dùng hơn 1,2 triệu tấn/năm, phụ phẩm nông nghiệp hơn 1,2 triệu tấn/năm và chất thải chăn nuôi khoảng 4 triệu tấn/năm. Tất cả đều đang bị thải ra tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chỉ riêng phân bón vô cơ, chiếm 60% lượng phân bón đang được sử dụng ở Đắk Lắk, với bình quân được tính theo diện tích khoảng 4 tấn/ha/năm, rõ ràng mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng đến đất đai rất nghiêm trọng.

Vì vậy, Đắk Lắk cũng như nhiều địa phương khác đang phải đối mặt các vấn nạn cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, thoái hóa đất. Đồng thời, do bị tác động từ dư lượng hóa chất, ô nhiễm thuốc…, thị trường tiêu dùng đang ngày càng phản ứng tiêu cực và nghi ngờ nông sản nông dân làm ra.

Thực trạng đó buộc các nhà quản lý, nhà khoa học… phải xác định lại các mô hình đầu tư canh tác, làm sao cải thiện môi trường tích cực, an toàn. Theo TS. Lan Hương, đây là lý do để chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn được chú ý. Mô hình này là chuỗi liên kết giá trị đầu tư, xác định các chất thải, phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên tái tạo, tạo các vòng tuần hoàn lợi ích.

TS. Lan Hương chia sẻ: “Chất thải nông nghiệp được vi sinh hóa, chế biến thành sinh phẩm, phân hữu cơ, phục vụ lại canh tác cây trồng, kết hợp các nghiên cứu về giống, gien tế bào… tạo chất lượng nông sản tốt hơn, cải thiện cây trồng, tăng độ phì nhiêu của đất, an toàn với người dùng… Đó là quy trình tuần hoàn khép kín, thực sự có lợi với hoạt động canh tác, đặc biệt là phù hợp định hướng chuyên canh diện tích lớn, sản lượng lớn mà Đắk Lắk chú trọng hiện nay”.

Yêu cầu cho lộ trình nông nghiệp tương lai

Tại hội thảo nói trên, các nhà khoa học, nghiên cứu đã trình bày rõ một số vấn đề liên quan đến nguyên nhân khiến việc triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Đắk Lắk và Tây Nguyên còn hạn chế.

Đó là, dù thời gian qua, địa phương đã triển khai một số mô hình thí điểm theo hướng tuần hoàn, như sản xuất cà phê bền vững, mô hình VietGAP, công nghệ cao (trồng dưa lưới Nhật Bản, nấm linh chi…), song quy mô nhỏ lẻ, chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Đa số người nông dân chỉ được tập huấn canh tác mà chưa có tư duy nông nghiệp hàng hóa.

Việc tái sử dụng các phụ phẩm vẫn còn tùy tiện, thiếu tính khoa học, không tạo ra được quy trình chuỗi giá trị khép kín. Đặc biệt, do đã có thói quen canh tác tuyến tính lâu nay, nông dân cần có thời gian nắm bắt, từng bước loại bỏ tư duy khai thác tài nguyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ.

Việc quy hoạch đất đai và bố trí canh tác cũng chưa được tính toán kỹ trong mối quan hệ phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác của tỉnh nhà. Đó là chưa kể những vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào đời sống, làm sao cân đối các tiêu chí sản xuất, tiêu thụ, giảm thải, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo lợi ích kinh tế - xã hội đa mục tiêu… mới thuyết phục được người dân chấp nhận ủng hộ mô hình này một cách hoàn toàn.

Mô hình trồng lúa giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh trên địa bàn huyện Krông Ana. Ảnh: Minh Thuận

Các nhà khoa học đã đề xuất ba yêu cầu với lộ trình đầu tư tương lai gần của nông nghiệp Đắk Lắk, dựa trên mô hình chuẩn về nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hình thành, cơ chế hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Phải tăng cường công tác quản lý kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, cụ thể là phân bón và thuốc trừ sâu để định hướng tuyên truyền, đầu tư chiều sâu vào nông nghiệp tuần hoàn, tăng ý thức chung trong cộng đồng.

Thứ hai, địa phương phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, mạnh dạn để doanh nghiệp là hạt nhân tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã. Việc này giúp thúc đẩy các khu vực tư nhân, các tổ chức, hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn, làm rõ thị trường đầu ra đem lại giá trị đầu tư kinh tế thiết thực; ngày càng thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp tuần hoàn; và phát triển được đội ngũ nhân lực thực hiện đúng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Cuối cùng, phải tập trung nâng cao nhận thức người nông dân, giúp thay đổi tư duy, thói quen sản xuất cũ, từ sử dụng hóa chất qua sản xuất nông nghiệp xanh. Thay đổi của năng lực người nông dân sẽ giúp thu hút hiệu quả sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, chuyên gia quốc tế về nông nghiệp tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Đắk Lắk.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc