Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi: Gốc rễ của tăng trưởng xanh

07:51, 09/04/2023

Chăn nuôi ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng quy mô tập trung và đa giá trị. Tuy nhiên, quá trình phát triển chăn nuôi cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn mà chưa được khai thác hợp lý. Và nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

Chưa khai thác hiệu quả phụ phẩm chăn nuôi

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn heo đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm trên 500 triệu con và gia súc trên 12 triệu con. Mỗi năm, khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường là một con số khổng lồ – khoảng 84,5 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn…), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm.

Trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Tại Đắk Lắk, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 15,3 triệu con, trong đó có 72 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 755 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 2.609 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và hơn 101.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ; có 8 công ty chăn nuôi triển khai liên kết sản xuất chăn nuôi heo, gà theo hình thức gia công với khoảng 400 trang trại chăn nuôi, khoảng 200.000 con lợn (chiếm 23,3% tổng đàn lợn toàn tỉnh) và 3.000.000 con gà (chiếm 26,5% tổng đàn gà toàn tỉnh). Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác động nhất định đối với môi trường. Chất thải chăn nuôi hiện được quản lý bằng nhiều cách: ủ phân compost, xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học... Tuy nhiên, việc sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm chăn nuôi còn chưa đồng bộ, hiệu quả, gây lãng phí. Nhất là đối với chất thải lỏng ở các trang trại chăn nuôi công nghiệp rất khó thu gom nên chủ yếu xả trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các hầm khí sinh học) ra môi trường.

 

“Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến” Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ngành chăn nuôi đang còn có những hạn chế nhất định như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Điều này mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...). Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.         

Cần những giải pháp căn cơ

Phát biểu tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” (ngày 21/3 tại Hà Nội), ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Đây cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trước đây, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi ở các địa phương đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC (vườn - ao - chuồng), VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng), lúa - cá - vịt; xử lý rơm, vỏ cà phê… để chế biến phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.

Theo bà Nguyễn Giang Thu, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường (Bộ NN-PTNT), tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn, dẫn đến tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực sử dụng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, mới chỉ ở các viện, trường, còn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ việc ứng dụng công nghệ chưa rộng rãi và chưa thực sự quan tâm. Do đó, cần nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của kinh tế tuần hoàn…

Phát triển trang trại chăn nuôi gà công nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, ông rất quan tâm về vấn đề chính sách tuần hoàn trong chăn nuôi, trồng trọt, phân bón hữu cơ… Hiện tại, kinh tế tuần hoàn trong các dự án đang triển khai tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tập đoàn Hùng Nhơn rất chú trọng đến vấn đề xử lý rác thải rắn, đốt khí thải, tiêu hủy gà, heo… Tuy nhiên theo ông Hùng, chúng ta đang bị chậm rất nhiều so với kinh tế hội nhập. Do đó, các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất trong nước cần liên doanh liên kết, ngồi lại với nhau để có những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng tuần hoàn.

Rõ ràng, đối với phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, các địa phương, trong đó có Đắk Lắk đang đối mặt với một số thách thức. Chính vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình; tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho những trung tâm vùng lõi do doanh nghiệp dẫn dắt.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi cả nước đã có những bước tiến mạnh mẽ với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Chúng ta có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những thị trường lớn. Tuy nhiên, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Trong tương lai, kinh tế tuần hoàn không phải một mô hình lựa chọn mà là xu hướng phát triển tất yếu.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.