Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: Khai phá nguồn lực từ “dám nghĩ, dám làm” (kỳ 1)

08:29, 05/09/2024

Để phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, ngày 15/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”.

Mặc dù nghị quyết này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc sử dụng và phát huy các nguồn lực, nhưng dấu ấn đậm nét vẫn đến từ những địa phương, đơn vị thực sự “dám nghĩ, dám làm”.

Kỳ 1: “Cú hích” khơi dậy tiềm năng

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh đối với toàn vùng và cả nước. Cùng với đó, Đắk Lắk cũng là địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây trồng, lực lượng lao động, sự đa dạng về văn hóa… để phát triển toàn diện.

Từ chuyển biến nhận thức…

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (gọi tắt là Nghị quyết 39) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 113/KH-TU, ngày 28/5/2019 về học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nội dung Nghị quyết 39 đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Ngày 31/10/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 39. Sau hội nghị cấp tỉnh, 100% các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã triển khai việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết này tại địa phương.

Diện mạo đô thị ở Đắk Lắk đã có nhiều thay đổi nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. (Trong ảnh: Cầu cạn trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vạn Tiếp

Trên cơ sở Nghị quyết 39, ngày 17/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 32-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 39.

Để cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Chương trình số 32-CTr/TU của Tỉnh ủy, ngày 15/7/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6074/KH-UBND. Kế hoạch này đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và có lộ trình cụ thể, đồng bộ, hiệu quả việc quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực kinh tế trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, hằng năm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng thường xuyên xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh trong các lĩnh vực, ngành nghề để thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực kinh tế trên địa bàn tỉnh gắn với đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 39.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, việc kịp thời triển khai học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 39 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến hiệu quả từ hành động thực tiễn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 và các chương trình, kế hoạch của tỉnh về thực hiện nghị quyết này đã nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện đời sống của người dân.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2019 - 2023 đạt 6,2%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ hơn 49 triệu đồng năm 2019 lên hơn 62 triệu đồng năm 2023 (cao gấp 1,3 lần năm 2019); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 33.795 tỷ đồng năm 2019 lên 35.744 tỷ đồng năm 2023; thu ngân sách nhà nước giai đoạn này bình quân tăng 6,1%/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,15% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025), tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 9,7%.

Diện mạo TP. Buôn Ma Thuột đang có nhiều đổi thay đáng kể, xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.  Ảnh: Hoàng Gia

Đặc biệt, những lĩnh vực được xem là tiềm năng và còn nhiều dư địa của tỉnh đã phát huy tốt thế mạnh. Chẳng hạn, với nguồn lực từ hơn 1,3 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có đến gần 1,2 triệu ha đất nông nghiệp, Đắk Lắk đã đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp thời kỳ này luôn ở mức cao. Qua đó đã đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông luôn được xem là một trong những vấn đề nan giải của Đắk Lắk trong suốt nhiều năm liền. Hệ thống đường bộ địa phương chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô nhỏ, nhiều nơi bị xuống cấp. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi tỉnh có địa bàn rộng, khối lượng cần đầu tư lớn, để phát triển hạ tầng này đòi hỏi nguồn lực khá lớn.

Mặc dù đã nỗ lực kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho lĩnh vực này nhưng kết quả đạt được không đáng kể. Thế nhưng trong giai đoạn 2019 - 2023, Đắk Lắk đã tận dụng hiệu quả công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm của cả nước, góp phần tạo nên diện mạo các đô thị ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nổi bật như tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP. Buôn Ma Thuột; Dự án đường Trường Sơn Đông và Dự án cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 12, Tỉnh lộ 13... Do đó, đến năm 2023, chỉ tiêu nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường tỉnh đạt 96,64%, đường huyện đạt 95,14%, đường xã đạt 69,96%.

Có thể thấy, Nghị quyết 39 và các chương trình, kế hoạch kịp thời của tỉnh trong việc thực hiện nghị quyết đã tạo bước phát triển đột phá, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ 2: “Vượt rào” đồng hành cùng cao tốc

Cao Minh Giang


Ý kiến bạn đọc