Multimedia Đọc Báo in

Việc phố, việc làng: “Đất vàng” cũng hiến (Kỳ 1)

08:21, 28/10/2024

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh sẽ được xây dựng đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh. Để làm được điều đó, tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình, dự án.

Kỳ 1: Quyết liệt chỉ đạo – sáng tạo cách làm

Xác định GPMB là nhiệm vụ khó và phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận dụng linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần tự nguyện, sự tham gia tích cực từ phía người dân để hiến đất và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Từ buôn làng…

Ở bất kỳ công trình, dự án nào, giải quyết được công tác GPMB xem như "chìa khóa" thành công.

Tại tỉnh Đắk Lắk, với hàng loạt dự án lớn nhỏ đã và đang được triển khai, trong đó phần lớn đều phải GPMB, tỉnh và các địa phương có dự án đi qua đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhờ đó, nhiều dự án, công trình quy mô lớn sớm hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ GPMB nên đã khởi công đúng thời gian, góp phần để chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc. 

Điển hình phải kể đến Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, có quy mô cũng như tổng mức đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, người dân vùng dự án. Chính vì vậy, tiến độ triển khai dự án cũng hết sức cấp bách và khẩn trương.

Là địa phương có chiều dài tuyến cao tốc đi qua lớn nhất tỉnh, với hơn 33 km nên Huyện ủy, UBND huyện, cấp  ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Krông Pắc đã tích cực vào cuộc, tổ chức thành lập các tổ công tác dân vận đến từng thôn, buôn, từng gia đình tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. Việc bàn giao mặt bằng trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp từ làng trên, xóm dưới đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, huyện Krông Pắc là địa phương đầu tiên của tỉnh cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Đơn cử như buôn Kplang (xã Tân Tiến) với 100% dân số là đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, khi biết tin tuyến cao tốc đi qua buôn làng, người dân vui vì sắp có đường lớn được mở, nhưng cũng băn khoăn vì gia đình bị thu hồi đất – tư liệu sản xuất gắn bó từ hàng chục năm nay.

Ban đầu, các tổ vận động đến tuyên truyền, bà con cũng phân vân vì chưa nắm rõ lợi ích khi tuyến đường được mở ra, song khi hiểu rõ đều đồng lòng bàn giao mặt bằng cho địa phương. Được biết, buôn Kplang có 19 hộ bị thu hồi đất, nhưng có đến 16 hộ thuộc diện phải di dời để làm cao tốc.

Nhờ sự đồng thuận của bà con, đến nay dự án qua địa phận buôn Kplang được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ đề ra. Điều đáng mừng, những hộ dân thuộc diện thu hồi đất, giải tỏa nhà cửa, công trình kiến trúc trên đất đã xây nhà và an cư tại nơi ở mới.

Bí thư Chi bộ buôn Kplang H’Bhơi Byă cho hay, có được kết quả như ngày hôm nay, suốt quá trình triển khai, ban tự quản buôn đã phối hợp với cán bộ huyện, xã ngày đêm luôn bám cơ sở, bám dân để tuyên truyền, vận động và giải thích cho dân hiểu. Ban tự quản buôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những khúc mắc người dân phản ánh, từ đó truyền đạt lại ý kiến với cấp trên, với tinh thần vướng đâu gỡ đó, bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân bị thu hồi đất làm dự án.

Công trình cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc).

Hay tại thôn Thanh Bình và thôn Thanh Xuân (xã Ea Kênh), đầu năm 2023 quá trình tham gia kiểm đếm nhận thấy trong phạm vi thu hồi đất có 16 phần mộ được chôn cất ngay trong vườn của người dân. Theo phong tục của người Tày, Nùng nơi đây, việc cất bốc các phần mộ thường được tiến hành trước Tết Thanh minh 3/3 âm lịch. Nếu bỏ lỡ thời gian này, công tác di dời mộ để GPMB sẽ rất khó khăn.

Chính vì thế, bà Triệu Thị Hồng Vân, Trưởng thôn Thanh Bình đã mạnh dạn đề xuất tổ kiểm đếm ưu tiên thực hiện trước đối với các diện tích đất có mộ, đồng thời đề nghị huyện cho bà con ứng trước kinh phí để chủ động di dời các phần mộ theo phong tục.

Đề xuất chính đáng ấy của bà Vân nhanh chóng được UBND huyện Krông Pắc chấp thuận và bố trí kinh phí để người dân chủ động cất bốc, di dời. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ phần mộ đã được người dân cất bốc, di dời về nghĩa trang tập trung dù huyện chưa chính thức ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ.

… đến phố thị

TP. Buôn Ma Thuột đang trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ. Trong những năm qua, nhiều công trình hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã và đang được địa phương triển khai xây dựng.

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, vấn đề GPMB luôn là thách thức đặt ra đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Quá trình triển khai một số công trình, dự án có những lúc tưởng chừng tắc nghẽn không thể thực hiện được; song với quyết tâm cao, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã ban hành các chương trình, nghị quyết hành động cụ thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng, GPMB các công trình, dự án.

Điển hình nhất là Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 1/3/2021 về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể hóa nghị quyết này, ngoài nguồn ngân sách từ nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tại địa phương đã đóng góp rất tích cực trong việc hiến đất làm đường giao thông.

Tuyến đường Chu Mạnh Trinh, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) được mở rộng khang trang, sạch đẹp.

Một trong những dự án giao thông tiêu biểu của thành phố đang trong giai đoạn hoàn thành có sự đóng góp rất lớn từ sức dân phải kể đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chu Mạnh Trinh, phường Tân Thành. Dự án nằm ở vị trí đắc địa của thành phố nên quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương lường trước những khó khăn, từ đó đưa ra cách làm linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế.

Chia sẻ về cách làm trong quá trình GPMB dự án, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Thành Hách Xuân Vinh cho biết, để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi, phục vụ các dự án, cán bộ phải bám sát địa bàn, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đặc biệt, khi tuyên truyền, vận động, cần nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện để người dân cùng đồng lòng tham gia.

Với cách làm này, việc triển khai làm đường Chu Mạnh Trinh nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Kết quả, tất cả 65 hộ dân dọc hai bên tuyến đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình kiên cố trên đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án; khái toán trị giá ước tính gần 8,5 tỷ đồng. Trên tuyến chỉ có 3 hộ dân (có nhà hai mặt tiền Chu Mạnh Trinh – Mai Hắc Đế) phải đền bù, hỗ trợ GPMB do diện tích bị ảnh hưởng lớn, hiện địa phương đang hoàn thiện các thủ tục để chi trả cho người dân.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Khơi sức dân mở đường lớn

Anh Trường


Ý kiến bạn đọc