Multimedia Đọc Báo in

Nạn trộm cà phê - mối lo trong mùa thu hoạch

08:17, 12/11/2024

Ngay từ đầu mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025, nạn trộm cắp và phá hoại cây trồng đã diễn ra ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Để giúp người dân yên tâm sản xuất, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong mùa thu hoạch.

Đến hẹn lại… lo

Giá cà phê hiện nay đã vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg, mang đến niềm vui và kỳ vọng lớn cho người trồng. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, nỗi lo về nạn trộm cắp lại khiến không ít người trồng cà phê phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Dù nhiều gia đình đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ nhưng tình trạng mất trộm vẫn xảy ra.

Người dân huyện Cư M'gar thu hái cà phê chín sớm niên vụ 2024 - 2025.

Gia đình anh Vũ Quốc Hùng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 1 ha cà phê đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, vào ngày 22/10 vừa qua, khi ra thăm rẫy, anh phát hiện hàng chục cây cà phê bị kẻ gian hái trộm, thậm chí có cây còn bị kẻ gian cắt cả cành mang đi nơi khác để tuốt, thiệt hại khoảng 50 kg quả tươi. Rẫy của gia đình anh cách nhà 1 km, nằm ở khu vực giáp ranh với xã khác nên các đối tượng đã lợi dụng thời điểm không có ai trông coi để thực hiện hành vi trộm cắp.

Được biết, gia đình anh Hùng không phải là trường hợp duy nhất bị mất trộm cà phê trong khu vực này mà nhiều hộ dân khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sau vụ việc, gia đình anh phải gấp rút dựng lều và cắt cử người trực 24/24 giờ tại rẫy; phối hợp với một số hộ xung quanh tăng cường canh gác, tuần tra bảo vệ vườn cây.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Luyến (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cũng vừa bị mất hơn 600 kg cà phê tươi phơi trong sân nhà. Kiểm tra hệ thống camera an ninh lắp đặt tại nhà, ông thấy hai đối tượng đi xe máy đã cắt hàng rào B40 bên hông nhà đột nhập vào sân và lần lượt mang đi các bao cà phê. Nhận thấy hành vi liều lĩnh của các đối tượng, ông đã nhanh chóng báo cáo cơ quan công an để điều tra làm rõ vụ việc.

Công an xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) phối hợp cùng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tăng cường tuần tra liên hoàn, khép kín.

Không chỉ lo nạn hái trộm cà phê, nhiều gia đình còn phải đối mặt với nạn phá hoại cây trồng. Đơn cử, gia đình anh Đàm Nguyên Xuân (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) vừa bị chặt phá mất 17 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Anh Xuân cho hay, vườn cà phê đã được gia đình anh trồng gần 20 năm qua, chưa từng xảy ra tình trạng trộm cắp, nhưng năm nay, khi sắp đến ngày thu hoạch thì lại bị phá hoại. Vụ việc không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương, khiến gia đình anh và bà con xung quanh vô cùng bức xúc, lo lắng.

Cùng dân bảo vệ nông sản

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 - 2025. Theo đó, UBND đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm những trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 210.000 ha cà phê, sản lượng bình quân đạt trên 500.000 tấn nhân/năm. Để bảo đảm an ninh trật tự và ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là tình trạng trộm cắp có thể gia tăng trong mùa thu hoạch, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường an ninh cho các vùng trọng điểm trồng cà phê, bảo vệ vườn cây của người dân trong mùa thu hoạch.

Huyện Cư Kuin có hơn 12.000 ha cà phê, phân bố đều trên tất cả các xã trong huyện. Trước mùa thu hoạch niên vụ 2024 - 2025, công an huyện đã chủ động triển khai kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các tội loại phạm hủy hoại tài sản, trộm cắp, ép giá và "bảo kê" thu mua nông sản.

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, công an huyện đã tăng cường tuần tra ban đêm, thành lập các tổ tuần tra từ cấp huyện đến cấp xã, huy động tối đa sự tham gia của công an xã, tổ an ninh trật tự ở cơ sở, xã đội và lực lượng dân quân tự vệ tuần tra liên hoàn, khép kín trên địa bàn huyện.

Thượng tá Nguyễn Cao Quyết, Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, song song với công tác tuần tra, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống và tố giác tội phạm. Đồng thời, tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê, đặc biệt là các điểm thu mua nhỏ, lẻ trên địa bàn để thực hiện ký cam kết không thu mua cà phê không rõ nguồn gốc, nhất là vào ban đêm hoặc từ các đối tượng nghi vấn trộm cắp. Công an huyện cũng vận động người dân lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng, thôn, xóm để tăng cường giám sát và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Công an xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp để người dân nâng cao cảnh giác.

Để hỗ trợ người dân bảo vệ vườn cây, ngay từ đầu tháng 8/2024, Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự trong mùa vụ nông sản 2024. Đồng thời, ký kết quy chế phối hợp với Công an xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) tổ chức tuần tra những khu vực giáp ranh, kiểm tra tạm trú tại các chòi rẫy, nơi tập trung người dân từ những địa phương khác đến. Đồng thời, thành lập điểm chốt chặn tại khu vực ngã ba cuối thôn Cao Thắng, nơi có hướng đi sang huyện Cư Kuin và huyện Krông Ana nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi trộm cắp.

Các địa phương huyện Cư M’gar cũng đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng các mô hình nhằm bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trộm cắp. Một trong những mô hình hiệu quả là “Chốt bảo vệ vụ mùa cà phê” tại các xã Ea Tul, Cư Dliê M’nông giúp ngăn chặn tình trạng hái trộm cà phê. Cụ thể, các xã thành lập chốt trực tại những vị trí xung yếu, thường xuyên xảy ra trộm cắp. Thượng tá Lê Hồng Nhật, Phó trưởng Công an huyện Cư M’gar cho biết, nhờ có các chốt bảo vệ vụ mùa cà phê mà từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn hai xã này không còn xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê. Trong thời gian tới, công an huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn khác trên địa bàn.

Tuyết Mai - Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.