Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì “bão giá”

08:19, 26/12/2024

Thời gian qua, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà thầu xây dựng bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19 và sự trầm lắng của thị trường bất động sản. Trong bối cảnh đó, gần đây giá điện và vật liệu xây dựng (VLXD) lại tăng đã gây áp lực không nhỏ cho các DN.

Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn

Từ giữa tháng 10/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Sau khi giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng, nhiều sản phẩm VLXD tăng giá bán đã khiến không ít DN, nhà thầu xây dựng lâm vào cảnh “lao đao”.

Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, sau khi giá điện tăng, các sản phẩm VLXD như xi măng, sắt, thép, cát, đá… cũng đồng loạt tăng giá. Đơn cử như sản phẩm của các công ty: Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Thành Thắng Group, Xi măng Long Sơn, Xi măng Xuân Thành, Xi măng Vicem Bút Sơn… đều tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn với các sản phẩm xi măng rời. Đặc biệt, giá thành các loại cát, đá không chỉ tăng mà có những thời điểm còn khan hiếm, khiến DN phải đi mua vật liệu ở những khu vực xa hơn để bảo đảm tiến độ công trình. Có những trường hợp các gói thầu xây dựng đang thi công lại phải tạm dừng do thiếu nguyên vật liệu. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình cũng như hoạt động của DN. Không những thế, giá thành VLXD tăng nhưng giá các hợp đồng xây dựng đã ký lại không thể điều chỉnh giá ngay nên DN phải bỏ vốn nhiều hơn.

Một công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Không chỉ DN sản xuất, kinh doanh VLXD, giá điện cùng giá VLXD tăng khiến các nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các nhà thầu thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc trọn gói. Một nhà thầu xây dựng trong lĩnh vực cầu, đường cho biết, giá điện được điều chỉnh tăng không nhiều nhưng lại kéo giá nhiều chủng loại vật liệu tăng theo, tạo thêm áp lực cho nhà thầu, đặc biệt là ở các hợp đồng theo đơn giá cố định, trọn gói. Bên cạnh đó, giá VLXD do Sở Xây dựng công bố không sát với giá thị trường đã gây bất lợi cho DN, nhà thầu xây dựng khi xác định giá xây dựng công trình.

Cần sự hỗ trợ kịp thời

Để giảm áp lực từ biến động thị trường, bảo đảm duy trì chất lượng công trình trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, bản thân các DN, nhà thầu xây dựng đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 chia sẻ, đối mặt với những khó khăn do giá cả nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng cao, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó ưu tiên dự trữ nguồn VLXD cho các công trình, dự án đã ký hợp đồng. DN cũng chủ động trong việc ứng dụng thiết bị, công nghệ mới, hiện đại… vào hoạt động xây dựng. Đồng thời sử dụng lao động có tay nghề cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Một số gói thầu tại Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) từng chậm tiến độ vì thiếu đất đắp.
 

“Để góp phần giúp doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng ổn định tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, rất mong các ngành chức năng sớm tháo gỡ điểm nghẽn trong khai thác vật liệu tự nhiên như đất, đá, cát nhằm bảo đảm nguồn cung; cần thông báo giá các VLXD đa dạng hơn theo thị trường để doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn”.

 
Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 Nguyễn Văn Thiện

Để giảm thiểu khó khăn cho các DN, nhà thầu xây dựng, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc thực hiện một số nội dung quản lý giá VLXD trên địa bàn tỉnh; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến VLXD để thực hiện các dự án...

Các sở, ngành liên quan cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xử lý tình trạng găm hàng, thổi giá trong hoạt động kinh doanh VLXD.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác quản lý nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và VLXD, hằng tháng, Sở Xây dựng đã công bố thông tin giá VLXD để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình.

Tuy nhiên, đề cập đến giải pháp kịp thời để hỗ trợ các DN, nhà thầu xây dựng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Sở Xây dựng cần cập nhật đơn giá VLXD áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách nhà nước tại các địa phương một cách kịp thời, chính xác hơn nữa. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN như cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý cho các dự án… Quan trọng hơn, bản thân nhà thầu xây dựng cần làm tốt công tác dự báo, tính toán rủi ro, quản trị nguồn lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng với biến động thị trường. Các DN sản xuất VLXD cũng phải cải tiến công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trên thực tế, thị trường bất động sản tác động không nhỏ đến ngành xây dựng nói chung và các DN, nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước cần ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện thi hành đối với các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các văn bản pháp lý liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản, xây dựng phục hồi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất VLXD, tạo thêm việc làm cho nhà thầu xây dựng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc