Giải bài toán thiếu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải rút khỏi thị trường.
Khó tiếp cận vốn tín dụng
Theo thống kê, đến hết năm 2024, Đắk Lắk có khoảng 13.367 doanh nghiệp (DN) còn đang đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2024, quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển tốt. Đến hết năm 2024, quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt 145.366 tỷ đồng (tăng 19,53% so với năm 2023, bằng 108,74% kế hoạch, gấp 1,67 lần năm 2020 và đứng đầu khu vực Tây Nguyên). Để có được kết quả này không thể không kể đến vai trò của cộng đồng DN trên địa bàn.
Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. |
Tuy nhiên, thời gian qua, không ít DN đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Dù từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nguồn lực cạn kiệt là một trong những lý do khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho máy móc, công nghệ. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Minh chứng là trong năm 2024, Đắk Lắk có đến 970 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động (tăng 18% so với năm 2023).
Chủ một DN xây dựng và kinh doanh nội thất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian qua, ngành xây dựng nói chung và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nói riêng bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, tổng cầu ngành xây dựng sụt giảm. Các gói thầu xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2024 sụt giảm 20 - 30% so với những năm trước. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn tín dụng lại gặp nhiều khó khăn do trước đó, DN đã dùng hết tài sản thế chấp để vay vốn. Ðó cũng là một trong những lý do khiến DN rơi vào khủng hoảng và đi đến phá sản.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về chính sách tài chính, thị trường. |
DN khó khăn là vậy nhưng việc tiếp cận Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Đắk Lắk lại không dễ dàng. Quỹ được thành lập từ năm 2021, với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh bố trí. Đến nay, Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã ký kết thoả thuận khung về hoạt động cho vay có bảo lãnh với BIDV Chi nhánh Đắk Lắk, Vietinbank Chi nhánh Đắk Lắk, trong đó cam kết các bên sẽ chủ động giới thiệu cho nhau những khách hàng có nhu cầu vay vốn, bảo lãnh để vay vốn, bảo lãnh theo đúng quy định của mỗi bên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có DN nào được Quỹ xem xét, bảo lãnh. Hoạt động của Quỹ còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý như: DNNVV thường không có tài sản bảo đảm để bảo đảm cho khoản vay được bảo lãnh nên Quỹ không có cơ sở để bảo lãnh.
Kết quả cho vay DNNVV trên địa bàn tỉnh ước đến ngày 31/12/2024 đạt 21.200 tỷ đồng, chiếm 12,66% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 2,44% so với đầu năm, với gần 3.000 DN còn dư nợ. |
Trên thực tế, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ra đời nhằm hỗ trợ cho những DN khó có khả năng tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng thương mại nhưng đây cũng là nhóm khách hàng có nguy cơ rủi ro cao nhất. Trong khi Quỹ Bảo lãnh tín dụng vừa phải hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, vừa phải bảo đảm an toàn vốn, tiềm ẩn rủi ro cao nhưng vẫn chưa có cơ chế về quỹ dự phòng bù đắp rủi ro hoạt động mà hiện chỉ có hướng dẫn về trích dự phòng chung.
Nỗ lực tháo gỡ
Trước những khó khăn của DN, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số. Đồng thời thực hiện Chương trình khung về trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh ban hành thể hiện sự đồng hành, chia sẻ và phù hợp với nhu cầu hỗ trợ của DNNVV.
Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng hình thức phù hợp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp các DN tiếp cận vốn vay ngân hàng hiệu quả nhằm duy trì ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh hiện còn triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV như: Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk cũng đang triển khai 2 chương trình cho vay đối với DNNVV gồm: Chương trình tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại vùng khó và Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn huyện Krông Năng. |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Phạm Đông Thanh, việc đưa ra các chương trình, quỹ hỗ trợ về tín dụng cho DN là rất cần thiết. Tuy nhiên, những đơn vị làm công tác quản lý, thực thi các chương trình, quỹ này cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng sự tương tác với DN, bởi phần đa DNNVV đều không biết cách thức để tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh những chính sách về tín dụng, nhiều DNNVV cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định lại các thủ tục, điều kiện kinh doanh cho cộng đồng DN. Trong đó, tập trung hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, họ cũng rất cần sự hỗ trợ về chính sách tài chính, thị trường, cũng như tháo gỡ những rào cản, đặc biệt là rào cản về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực. Đối với chuỗi giá trị cung ứng, DNNVV hiện đang kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử nên họ rất cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực để chuỗi liên kết vùng sử dụng sản phẩm của nhau. Từ đó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc