Hợp tác đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên: Cơ hội mới, tầm nhìn mới
Từ ngày 2 - 3/1, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.
Trong khuôn khổ hội nghị có nhiều chương trình ý nghĩa mang dấu ấn tầm nhìn mới, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên hợp tác, liên kết phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024. |
Cần nhau để đi cùng nhau
Bản Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây nguyên đã được ký kết vào tháng 12/2022 tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác phát triển gồm: du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục; nông nghiệp.
Riêng trong năm 2024, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tổ chức 18 sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng/cấp quốc gia. Đồng thời, thống nhất triển khai 23 nội dung, hoạt động hợp tác song phương giai đoạn 2024 – 2025; 23 nội dung của hoạt động hợp tác song phương đã được tổ chức triển khai đồng loạt, trong đó có 9 nội dung được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2025…
Tại hội nghị sơ kết, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên đều khẳng định việc hợp tác, đầu tư đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã đi vào thực chất, rất nhiều nội dung đạt kết quả tốt, nhất là lĩnh vực kinh tế. Là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển khoa học công nghệ, TP. Hồ Chí Minh đã giúp Đắk Lắk rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, UBND quận 10 đã hỗ trợ cho huyện Lắk trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, qua hội nghị, Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên sẽ tìm ra hướng đi mới, tư duy hợp tác mới trong thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.
Ký kết Thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên với các hệ thống phân phối tham gia Chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. |
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (tỉnh Đắk Lắk) nhận định, Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk như một con rồng trong nông nghiệp và chuẩn bị vươn mình. Tuy nhiên để "con rồng nông nghiệp" bay lên, một mình Đắk Lắk không thể làm được mà rất cần sự hợp tác đầu tư của những DN lớn từ TP. Hồ Chí Minh trong bảo quản, chế biến và xuất khẩu nông sản. Bởi Đắk Lắk có vùng nguyên liệu lớn của các loại cây lâu năm, trong đó có sầu riêng nhưng vẫn chủ yếu xuất thô do thiếu nhà máy chế biến. Đồng thời nông sản Đắk Lắk đang cần nhiều hơn sự quảng bá, phân phối sản phẩm cũng như hỗ trợ nguồn vốn sản xuất để đủ tầm vươn xa và bay cao…
Tại hội nghị sơ kết, lãnh đạo các địa phương thống nhất đưa thêm một số nội dung vào chương trình hợp tác năm 2025, gồm: hỗ trợ mỗi địa phương đưa hai sản phẩm OCOP lên tik tok; triển khai Chương trình “Tick xanh trách nhiệm”; xây dựng sàn giao dịch hoa. Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, đề xuất hai nội dung là hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chương trình hợp tác về khoa học công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. |
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, sự hợp tác lớn mạnh, chặt chẽ và rộng mở của cộng đồng DN chính là kết quả thiết thực nhất cho sự hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. "Không có cộng đồng DN thì tất cả những thỏa thuận hợp tác chỉ nằm trên giấy. Địa phương nào cũng có thế mạnh và điểm yếu, vì vậy các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh đều cần nhau để cùng vươn lên. DN mạnh thì phải giúp đỡ DN nhỏ hơn. Nếu không liên kết thì TP. Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta mạnh dạn liên kết, hợp tác với nhau, những việc đã làm thì TP. Hồ Chí Minh sẽ làm tốt hơn nữa, việc gì đã bàn thì sẽ triển khai thực hiện ngay", ông Hoan chia sẻ.
Gỡ “nút thắt”, mở tầm nhìn mới
Có thể khẳng định vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, du lịch, nông nghiệp, khoáng sản, di sản văn hóa… Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn hẹp, còn nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách nên Tây Nguyên chưa thể vươn mình mạnh mẽ. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đặt nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục có những kết nối cụ thể và đa dạng hơn, đặc biệt về tài chính, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngành sản xuất hoa của Đà Lạt đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, được xem là tỉnh dẫn đầu về cung cấp hoa cho thị trường nội địa và xuất khẩu hoa của Việt Nam. Hiện phần lớn lượng hoa được tiêu thụ tại chợ hoa đầu mối lớn của TP. Hồ Chí Minh; tuy nhiên đầu ra vẫn chưa ổn định, giá cả bấp bênh… Do đó, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm hỗ trợ lập sàn giao dịch hoa, công nghệ lưu kho trữ hoa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hoa…
Chia sẻ kinh nghiệm về sàn giao dịch cà phê Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng sàn giao dịch này đã thất bại bởi vì Việt Nam chưa có luật về sàn giao dịch hàng hóa, mới chỉ có nghị định. Do đó, để tiếp tục xây dựng những sàn giao dịch hàng hóa thì các tỉnh và DN cần tính toán lại thời điểm hợp lý, cũng như xem lại hệ thống luật của Việt Nam… Tuy nhiên, vẫn cần đưa nội dung về sàn giao dịch hoa, cà phê vào chương trình hợp tác của năm 2025 vì đây là chiến lược dài hạn cho nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Đắk Lắk đang mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. |
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định: Thế giới đang thay đổi rất nhiều, những cách làm theo kiểu cũ không còn phù hợp, phải tuân thủ quy luật phát triển. Nếu muốn vươn xa phải đi theo những quy định, quy chuẩn mới trong chuỗi cung ứng và chia sẻ với nhau về cách làm mới, cách làm hiện đại, phù hợp với các tiêu chí mà xã hội đặt ra về bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chứng chỉ carbon… Điều này cũng đặt ra thách thức rất lớn cho DN Việt Nam. Vì vậy, các DN Tây Nguyên phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, tầm nhìn khác đi và phát huy lợi thế của mình, tìm kiếm các cơ hội đầu tư để hợp tác, phát triển và lớn mạnh…
Ông Võ Văn Hoan đề nghị: Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh lập đề án xây dựng sàn giao dịch hoa mang tính định hướng, sau đó nhân rộng ra sản phẩm cà phê; các tỉnh Tây Nguyên lập danh mục những dự án, nhu cầu sử dụng đất, mở rộng đầu tư; TP. Hồ Chí Minh lập danh sách DN có nhu cầu, trên cơ sở đó thiết kế chương trình đưa DN đến từng địa phương tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc