Multimedia Đọc Báo in

Tăng tốc để bứt phá trong năm 2025

09:04, 01/01/2025

Để tạo đà hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong năm 2025, tỉnh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu cao hơn nhiều so với năm 2024 và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác các dư địa, nguồn lực thực hiện với tinh thần “Không thấy khó mà lui”.

4 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Cùng với 3 nhiệm vụ lớn, cấp bách theo chỉ đạo của Trung ương gồm: đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định, năm 2025, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Đây là tiền đề bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đô thị Buôn Ma Thuột còn nhiều dư địa phát triển và thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Gia

Cụ thể hóa 4 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 4/12/2024 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Nghị quyết số 20 đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội; xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

 

“Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh sẽ không sửa đổi, điều chỉnh chỉ tiêu nghị quyết đã ban hành. Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các giải pháp cụ thể, căn cơ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8% và thu ngân sách nhà nước đạt 9.350 tỷ đồng” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu “xương sống” cao hơn nhiều năm 2024. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 67.783 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 7%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 81 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.300 tỷ đồng (tăng 14,36%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD (tăng 3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt 110.000 tỷ đồng (tăng 4,76%). Thu ngân sách nhà nước đạt 9.000 tỷ đồng (tăng 5,88%). Phát triển 3.188 doanh nghiệp (tăng 123%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên. Lũy kế có 97/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng tỷ lệ 65,1%, tăng 16 xã so với năm 2024). Tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) đạt 40%...

Khai thác hiệu quả các dư địa để phát triển

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ lần thứ 101 mới đây, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2025, Chính phủ nhận định là năm “tăng tốc, bứt phá”, trong đó phải tập trung thực hiện tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk cũng cần tập trung khai thác hiệu quả các dư địa phát triển nhằm tạo sự tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết tâm chính trị đó đã được người đứng đầu Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thành trước ngày 15/1/2025 và phấn đấu giảm ít nhất 15% số đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị. Các tiểu ban phục vụ đại hội đảng các cấp khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao nhằm chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương triển khai tổng kiểm kê tài sản công, rà soát các dự án có dấu hiệu lãng phí nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế với sự vào cuộc của lực lượng công an các cấp. Cùng với phát triển kinh tế, tập trung rà soát, phúc tra lại số liệu hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở nhằm bảo đảm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) được mở rộng và lấp đầy sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Gia

Đối với nhiệm vụ giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh nhận định, trong năm 2025, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người liên quan đến công tác khoán của các công ty cà phê, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở… vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để ổn định tình hình, UBND tỉnh sớm có kết luận thanh tra để trả lời cho người dân và chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan xử lý, giải quyết kịp thời, tăng cường đối thoại với nhân dân, không để thành “điểm nóng”.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Hiển, mục tiêu tăng trưởng 8%/năm dù cao và khó thực hiện nhưng tỉnh vẫn còn dư địa để khai thác bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất tỉnh Đắk Lắk đủ điều kiện thành lập Khu Công nghiệp Phú Xuân, mở rộng Khu Công nghiệp Hòa Phú. Cùng với đó, việc Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cơ sở chính trị đặc biệt quan trọng để tỉnh phát triển trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các giải pháp triển khai phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đồng thời triển khai Quy hoạch điện 8 và thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng, phát triển của tỉnh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc