Đô thị cà phê - Hành trình kiến tạo...
Nếu Huế được định vị bằng di sản văn hóa, Ðà Lạt bằng ngàn hoa, Hội An bằng vẻ đẹp hoài niệm được lưu giữ trong từng khối kiến trúc phố cổ… thì khi nhắc đến Buôn Ma Thuột - Ðắk Lắk, chắc hẳn trong từng ý nghĩ đã phảng phất hương cà phê - thứ hương vị được chắt lọc từ nắng, gió của đại ngàn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa trăm năm…
1. Ông Serge Lambert, một chuyên gia nếm rượu vang ở Bourgueil thuộc miền Trung nước Pháp thích thú khi lần đầu tự tay hái những hạt cà phê chín đỏ ở trang trại cà phê đặc sản Aeroco, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Lần đầu tiên nếm vị ngọt từ trái cà phê tươi chín mọng, ông reo lên ngỡ ngàng “Tôi không nghĩ vị của trái cà phê ngon thế!”. Khi được ông chủ trang trại Aeroco Lê Đình Tư chia sẻ về quá trình chế biến từ khi hái đến khi hạt cà phê được bóc vỏ lụa đưa vào rang xay để có một thức uống hấp dẫn đối với khoảng 60% dân số Việt Nam và ¼ dân số toàn cầu (*), ông đã thốt lên “Thật kỳ công!”. Quả thực trong hành trình kỳ công ấy có sự cần cù, chăm chỉ của người nông dân một nắng hai sương, có sự sáng tạo không ngừng của những người làm thương hiệu, để cà phê không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là văn hóa, lan tỏa, kết nối…
Chính từ sự kết nối mà một người là chuyên gia thử nếm rượu vang, một người là chuyên gia sản xuất, chế biến cà phê, thuộc hai nền văn hóa khác nhau vẫn có thể say sưa với những câu chuyện bất tận về cà phê. Đó là câu chuyện về mô hình quản lý chất lượng đầu cuối, kết nối các nguồn lực để bảo đảm chất lượng nguyên liệu tươi ngon từ nông trại đến ly cà phê. Đó là những câu chuyện về nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đang sát cánh cùng người nông dân trong hành trình nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê từ khâu chọn lọc giống, cải tạo vườn cây đến thu hái… Như chạm được vào cảm xúc của một người gắn bó với những trang trại nho, say mê trên hành trình đưa hương vị rượu vang chinh phục thế giới, ông Serge Lambert nói trong niềm hạnh phúc: “Đến Buôn Ma Thuột tôi mới thực sự hiểu vì sao cà phê Robusta Việt Nam đang ngày càng được thế giới ưa chuộng. Tôi cảm nhận được cách người trồng và chế biến cà phê ở nơi đây yêu thương, nâng niu từng hạt cà phê như những người ở quê hương Bourgueil của tôi nâng niu từng quả nho để làm ra loại rượu vang thơm ngon của nước Pháp...”.
Quán cà phê Arul ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) với không gian mang đậm bản sắc văn hóa Êđê trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách. |
2. Năm 2005 là năm đặc biệt ý nghĩa khi cà phê nhân Robusta Đắk Lắk được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận bảo hộ. Đây cũng là năm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần đầu tiên được tổ chức, là sự khởi đầu cho hành trình lan tỏa giá trị của cà phê.
Trải qua tám mùa lễ hội, tính “bản địa” của cà phê ngày càng được chú trọng đề cao khi trong câu chuyện cà phê được kể ở Buôn Ma Thuột luôn gắn với lịch sử vùng đất, với những nét đặc sắc về văn hóa của người dân nơi đây. Cũng từ những mùa lễ hội cà phê đã kiến tạo ra những dư địa mới với những không gian phát triển, ý tưởng sáng tạo phong phú làm cho văn hóa cà phê ở phố núi ngày một trở nên đậm đà, bản sắc. Đó cũng chính là “quyền lực mềm” mà không phải nông sản nào cũng có thể xác lập được như cà phê.
Và như trong câu chuyện mà ông Lê Đình Tư chia sẻ đầy tự hào với vị chuyên gia nếm rượu vang kia, nếu hơn 100 năm trước, người Pháp đã mang những hạt cà phê đầu tiên đến gieo trồng tại Việt Nam thì hôm nay, người Việt Nam đã mang hương vị thơm ngon của cà phê đặc sản ra thế giới. Đó là cả một hành trình chắt lọc hương vị mang dấu ấn lịch sử, văn hóa trên cao nguyên đất đỏ - nơi hạt cà phê được nâng niu, yêu thương và được gửi gắm niềm tin của cộng đồng các dân tộc bao đời gắn bó.
3. Tháng 5/2022, khi hội thảo khoa học về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” do UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tại Buôn Ma Thuột đã khẳng định một cách mạnh mẽ những quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây trong nỗ lực hiện thực khát vọng xây dựng một thương hiệu tầm quốc tế có sức lan tỏa trong tương lai.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đặc biệt 50 năm sau chiến thắng lịch sử 10/3/1975, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển vươn mình trở thành một đô thị giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên. Từ đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột đã phát triển thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010. Cũng từ năm 2010, sau khi có Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước hiện thực mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 9/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị. Ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là đô thị trực thuộc tỉnh hiếm hoi có được kết luận của Bộ Chính trị, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với yêu cầu phát triển của một đô thị có vị trí chiến lược vùng Tây Nguyên.
Xanh sinh thái, một trong những nét đặc trưng của đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Khi chia sẻ về tính khả thi, hiện thực cho một khát vọng vươn tầm của một thành phố ở cao nguyên trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2045, xây dựng được ít nhất 5 đô thị giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các đô thị có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế vì vậy càng trở nên cấp bách.
Đây là cơ hội cho Buôn Ma Thuột, bởi thành phố này đang sở hữu nhiều tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng riêng có về cảnh quan, đa dạng, phong phú về văn hóa, đặc biệt là cà phê, một loại thức uống đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời sống của hơn 2 tỷ dân trên thế giới.
Với điều kiện tự nhiên lý tưởng gắn với vị thế trung tâm vùng, đặc trưng về văn hóa được hun đúc qua lịch sử trăm năm cùng các giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Buôn Ma Thuột trên hành trình xây dựng thành phố cà phê của thế giới chắc hẳn sẽ là điểm đến khác biệt gắn kết cộng đồng bằng những giá trị tiêu biểu của cà phê Việt Nam, là nơi hội tụ văn hóa cà phê của thế giới.
(*) Theo thống kê của International Coffee Organization (ICO)
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc