Kết nối và nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một kỳ lễ hội đặc sắc, với nhiều đổi mới nhằm truyền đi thông điệp về tình yêu cà phê và niềm tự hào về nông sản Việt Nam, khẳng định danh tiếng: Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Đổi mới để lan tỏa, kết nối tình yêu cà phê
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 có thể sẽ là một áp lực lớn đối với Đắk Lắk trong việc thu hút, kết nối du khách đến với lễ hội nếu không có sự đổi mới.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 sẽ có 17 hoạt động chính thức với nhiều điểm nhấn mới. Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội cũng tập trung cho công tác truyền thông quảng bá đa phương tiện, chú trọng truyền thông qua các trang, tài khoản mạng xã hội uy tín, có lượng tương tác cao. Qua đó góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
![]() |
Du khách thưởng thức cà phê tại tại buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tại TP. Hồ Chí Minh. |
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, đây là một lễ hội cấp quốc gia nên khi bước vào kỳ lễ hội lần thứ 9, Đắk Lắk cũng rất trăn trở làm thế nào để có những nét mới nhằm phát huy được giá trị của lễ hội đối với việc nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi rất nhanh về công nghệ số. Chính vì vậy, Đắk Lắk đã nỗ lực làm mới những cái cũ, từ công tác truyền thông cho đến các sự kiện chính của lễ hội.
Đơn cử như sự kiện họp báo, thay vì tổ chức một hội nghị để thông báo các nội dung của lễ hội, thì lần này Đắk Lắk đã làm mới cuộc họp báo bằng việc đưa các tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng của núi rừng, của cà phê Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột đến với sự kiện nhằm khơi dậy và truyền đi thông điệp về tình yêu cà phê và niềm tự hào về nông sản Đắk Lắk - Việt Nam, khẳng định danh tiếng: Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Hay đối với Lễ khai mạc, với quan điểm lấy bản sắc văn hóa dân tộc của Đắk Lắk, của vùng Tây Nguyên và cà phê làm nền tảng cho các chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc, Ban tổ chức đã làm việc rất kỹ trong lựa chọn nội dung cũng như chỉ đạo công tác phối hợp của các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện để du khách có thể chứng kiến sự thăng hoa của các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, gắn kết sự phát triển giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà
|
Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm cho du khách cũng được đổi mới, nhất là "Tour hành trình cà phê", với mục tiêu lan tỏa giá trị cà phê Việt cùng thông điệp "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".
Theo Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak), từ ngày 9 đến 12/3, công ty tổ chức chuỗi hoạt động mời du khách thưởng thức cà phê miễn phí kết hợp với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ hội.
Với một tinh thần mới, giao thoa giữa hiện đại cùng bản sắc văn hoá thuần túy của Tây Nguyên hùng vĩ, khung chương trình sẽ kéo dài trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Công ty cũng đã chuẩn bị hơn 30.000 ly cà phê nguyên bản 100% từ sản phẩm cà phê chất lượng nhất sẵn sàng chinh phục vị giác của những tín đồ cà phê đích thực.
Đưa cà phê trở thành động lực tăng trưởng chính
Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, với diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước (khoảng 210.000 ha), sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 520.000 tấn(chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc). Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, mang lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
![]() |
Cà phê Đắk Lắk được lựa chọn kỹ từ khâu thu hoạch đến chế biến để đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. |
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện giá cà phê đang tăng cao là một tín hiệu rất mừng cho nông dân Tây Nguyên; tuy nhiên quan điểm của tỉnh là không mở rộng diện tích cà phê mà tập trung nâng cao chất lượng. Để làm được điều này, lộ trình đến năm 2030, Đắk Lắk sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm từ sản xuất đến chế biến. Hiện Đắk Lắk có đến 70 - 80% diện tích cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và thế giới. Đây là nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng đang tập trung thu hút các nhà đầu tư để tăng tỷ trọng chế biến sâu, khai thác tối đa dư địa còn rất lớn trong lĩnh vực này. Đắk Lắk kỳ vọng thông qua lễ hội lần thứ 9 sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa cà phê Đắk Lắk trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế bền vững của tỉnh nhà.
Để cụ thể hóa chiến lược phát triển cà phê chế biến sâu, trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên sẽ phối hợp với tỉnh tổ chức khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend. Đây là nhà máy đầu tiên của Trung Nguyên về lĩnh vực chế biến sâu, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; dự kiến trong vòng hai năm sẽ đưa nhà máy vào vận hành trong giai đoạn 1 để khai thác lĩnh vực chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc