Một vùng đất để sống, để yêu...
Có một vùng đất trên đại ngàn Tây Nguyên chan chứa tình đất, tình người, tình xứ sở. Một nơi đầy nắng gió, vừa huyền bí, vừa lãng mạn mà kiên trung, bất khuất. Ðó là nơi để sống, để yêu thương. Vùng đất ấy được định danh bằng hai chữ thân thương – Ðắk Lắk.
Tình đất, tình người
Vùng đất Tây Nguyên từ xa xưa đã được định hình trong tâm thức con dân đất Việt. Từ thế kỷ 19, đây là trung tâm giao thương, trao đổi hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á.
Trong số những thương nhân đến buôn bán, có những người đã an cư lạc nghiệp luôn ở đây, lấy vợ, lấy chồng là cư dân bản địa. Từ hoạt động giao thương kéo theo sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, hòa huyết tộc người đã hình thành nên những khu vực tụ cư độc đáo.
Điều này được vun đắp nhờ cái ân tình của người bản xứ, bởi chỉ có tình yêu, lòng nhân ái thì người ta mới có thể hòa quyện, gắn bó chung sống suốt đời bên nhau.
Người dân các tỉnh mang theo tên xóm tên làng đến Đắk Lắk. Nhiều vùng quê đã khoác lên màu áo mới tươi sáng. Ảnh: Vạn Tiếp |
Cuối thế kỷ 19, trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập ách đô hộ lên các dân tộc ở Tây Nguyên. Để xác lập quyền cai trị và tổ chức về mặt hành chính đối với vùng đất này, ngày 2/11/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk, đặt trụ sở tại Buôn Đôn. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung Kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác lập lãnh thổ chủ quyền quốc gia trọn vẹn của Việt Nam - cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.
Đắk Lắk - Tây Nguyên luôn khiến trái tim bao người phải thổn thức. Nhiều người đã mơ về miền đại ngàn xanh thẳm với những bản trường ca bất tận, những mái nhà “dài như tiếng chiêng ngân” chở che, nuôi lớn bao thế hệ. Đắk Lắk với nhiều người vừa thật gần, vừa xa xôi. Xa là vì vùng này trước đây là chốn “rừng thiêng nước độc”, ngoài số ít người bản địa thì chẳng mấy người nơi khác muốn lui tới; gần là vì đây là đất lành, là chốn bình yên, nơi neo đậu của bao kiếp người. Nhưng dù là ai, dù với lý do gì thì mảnh đất này vẫn bao dung, yêu thương, chở che. Vì thế, Đắk Lắk là quê hương của hàng vạn đồng bào đất nước Việt Nam. Đắk Lắk - miền đất lành đã hào phóng dang tay đón những người con vùng núi Tây Bắc chấp nhận rời xa bản làng đói nghèo cheo leo bên vách đá với cái lạnh thấu xương khi đông về để mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Mảnh đất bazan màu mỡ chắp cánh cho khát vọng của hàng vạn thanh niên xung phong ở Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên một thời khai hoang mở đất, dựng xây cuộc sống mới. Cũng ở đây, những người con Thái Bình mang theo nghề trồng lúa nước làm nên những “mùa vàng”. Có cả rất nhiều người từ các tỉnh miền Trung nghèo khó “mang theo tên xóm tên làng” lên cao nguyên làm kinh tế mới. Rồi những người dân Thanh Hóa và các tỉnh miền Tây Nam Bộ kiên cường, đang hưởng cuộc sống hạnh phúc ở những khu kinh tế - quốc phòng vùng biên giới Ea Súp…
Người Trung, người Nam hay người Bắc, ai đã từng đến với cao nguyên Đắk Lắk, sẽ không quên được men rượu cần ngây ngất, vị cà phê đậm đà, đắm say với màu xanh ngút ngàn, với thiên nhiên kỳ vĩ và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Nhưng có một điều tuyệt vời là dù ở đâu thì khi đến Đắk Lắk cũng cảm nhận được sự gần gũi, thân quen, ấm áp tình quê hương xứ sở. Nghe đến cái tên xã, tên làng thôi cũng đủ để xao xuyến, xúc động.
Quả thật như vậy, giữa “thủ phủ” cà phê có làng quê trù phú mang tên Nam Đàn quê Bác; ngoại ô Buôn Ma Thuột có những xóm làng của người Bắc như Chi Lăng, Châu Sơn; người Huế thì “mang” cả Phú Lộc, Tam Giang vào đặt tên cho quê hương mới. Còn nhiều nữa những địa danh đậm chất xứ Quảng, Bình Định, Bến Tre…
Sáng danh Ðắk Lắk
Từ ngày thành lập đến nay, Đắk Lắk đã trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng đất nước.
Trong suốt hành trình hơn một thế kỷ, từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, vùng đất này đã được đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên. Đó là thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.
Tây Nguyên luôn là một phần “máu thịt” của Việt Nam, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Đắk Lắk nay vẫn thế, xanh tươi, đầy sức sống và nặng ân tình.
Đắk Lắk có núi, có sông, có những cánh đồng... |
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk cũng sẵn sàng với tâm thế mới cho chặng đường tiếp theo. Trong dịp thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk cuối năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tỉnh phải luôn xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là “chìa khóa” để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sức lan tỏa đến nhân dân, tạo niềm tin lâu dài cho doanh nghiệp và tương lai các thế hệ để đưa Đắk Lắk phát triển thịnh vượng, bền vững.
Chúng ta cũng tin vào sức mạnh, sự toàn tâm, đồng lòng của người Đắk Lắk; tin vào nguồn năng lượng được vun đắp từ khát vọng, bàn tay khối óc của những người đi trước; tin vào sức trẻ, tầm nhìn hôm nay. Tin tưởng danh xưng Đắk Lắk sẽ ngày càng tỏa sáng.
Chính Kiệt
Ý kiến bạn đọc