Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng bài ca “mở đất, lập làng”

16:26, 02/02/2025

Sau ngày giải phóng đất nước, thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động, dân cư, nhiều đợt di dân từ vùng đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn để mở đất lập làng đã biến nhiều vùng rừng núi hoang vu trở thành miền quê trù phú, an vui.

Từ miền xuôi lên miền ngược

Đầu năm 1977, Tiểu đoàn Thanh niên xung phong của thành phố Huế, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế) với khoảng 1.000 thanh niên độ tuổi đôi mươi hăng hái lên đường vào Đắk Lắk theo chiến dịch “Khoác áo nâu tươi cho núi rừng Tây Nguyên”. Sau 3 ngày 2 đêm hành quân trên chặng đường dài hơn 700 km, lực lượng này đã đặt chân đến xã Phú Xuân (thuộc huyện Krông Năng bây giờ) và bắt tay vào việc khai hoang vỡ đất, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho việc hình thành một xã kinh tế mới trên mảnh đất Tây Nguyên. 

Ông Nguyễn Văn Khiểm (bìa trái) và ông Văn Liệu (bìa phải) nhớ lại những ngày đầu đi kinh tế mới ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng).

Thời điểm đó, các chiến sĩ phải cắt rừng, leo đèo, lội suối, băng qua các đầm lầy tìm đường đến khu vực đổ dân được ghi trên bản đồ quy hoạch. Có những cuộc hành quân lạc đường, mất phương hướng buộc họ phải quay lại từ đầu. Đến khi tìm được, lại bắt tay vào chặt cây, ủi đường để xe vận tải chở người dân kinh tế mới đến định cư, lập nghiệp. Khó khăn, gian khổ tứ bề nhưng ai cũng kiên trì bám trụ, dốc sức khai hoang biến đất rừng hoang trở thành những cánh đồng xanh tươi màu lúa, bắp, sắn, khoai...

Ông Nguyễn Văn Khiểm, một trong những thanh niên sau khi thực hiện xong nhiệm vụ khai hoang tình nguyện ở lại xã Phú Xuân nhớ lại: “Thời điểm đó, cùng với ý chí, quyết tâm thì chúng tôi chỉ có cuốc, thuổng, xà beng, dao, búa, rìu... để khai đất lập làng; máy ủi chỉ đủ để mở hệ thống đường giao thông theo quy hoạch. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, mỗi người chỉ được cấp 16 kg lương thực/tháng mà chỉ có một phần gạo, hai phần là ngô, khoai, sắn, bột mì. Công việc nặng nhọc, vất vả khiến chúng tôi lúc nào cũng thấy đói. Chưa kể, những trận sốt rét rừng, bệnh kiết lỵ, ghẻ lở thường xuyên hành hạ. Nhưng các chiến sĩ với sức trẻ và nhiệt huyết cách mạng đã sống, chiến đấu, lao động hết mình và hoàn thành nhiệm vụ đề ra chỉ sau 180 ngày đêm”.

 

Trong 10 năm (từ 1976 - 1985) tỉnh Ðắk Lắk đã đưa vào các vùng kinh tế mới hơn 31.000 hộ dân, gần 194.000 khẩu, hơn 93.000 lao động; đưa vào các nông, lâm trường quốc doanh hơn 13.500 khẩu, gần 8.500 lao động; thực hiện chính sách giãn dân với hơn 1.000 hộ từ nội thị ra khai hoang mở đất làm nông nghiệp ở các huyện.

Ông Văn Liệu, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân và cũng là một trong những người dân đầu tiên đến định cư ở đây còn nhớ như in những khó khăn, gian khổ: “Tháng 1/1977 tôi đang là học sinh nhưng cũng là tổ trưởng một tổ dân phố ở phường Thuận Hòa (TP. Huế). Tôi được giao nhiệm vụ vận động 4 hộ dân trong tổ đi kinh tế mới, vận động mãi nhưng chỉ có 3 hộ đồng ý đi. Do thiếu 1 hộ nên tôi đã bàn với bố mẹ tham gia cùng. Tháng 4/1977, gia đình tôi theo đoàn di dân vào xã Phú Xuân để định cư. Lúc đó, vừa đói ăn thiếu mặc, vừa khổ vì bệnh tật, vừa lo bị FULRO sát hại khiến nhiều gia đình đã rời bỏ đến vùng đất khác hoặc quay lại quê hương. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn kiên trì bám trụ, khai hoang làm kinh tế mới. Trải qua bao thăng trầm, dần dần khu kinh tế mới ở Phú Xuân bắt đầu ổn định. Đến nay, cuộc sống ai cũng khấm khá, gắn bó và xem đây như quê hương thứ hai của mình”.

Trong thời gian từ tháng 3 - 11/1977, đã có khoảng 1.342 hộ dân từ 11 khu phố và 6 xã vùng ven TP. Huế được đưa vào định cư tại xã kinh tế mới Phú Xuân.

Biến vùng đất hoang vu thành làng quê trù phú

Cùng với chương trình đưa dân các tỉnh đến Đắk Lắk làm kinh tế mới, thời điểm đó, Đắk Lắk thực hiện việc đưa một số dân nội thị Buôn Ma Thuột chưa có công ăn việc làm, đời sống khó khăn đi khai hoang mở đất làm nông nghiệp. Trong đó, thành lập khu kinh tế mới đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tại xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ ngày nay), đợt ra quân đầu tiên đi xây dựng vùng kinh tế mới vào ngày 15/8/1975 là người dân ở phường Thắng Lợi, Tự An, Thành Công, Tân Tiến với tổng số gần 3.000 người.

Bà Nguyễn Thị Đồng (80 tuổi, thôn Bình Thành 3, xã Bình Thuận) nhớ lại: “Tháng 8/1975, tôi mang theo ba đứa con nhỏ đến vùng đất mới định cư. Không có nhà ở, tôi được một số thanh niên trong đoàn đi cùng chặt cây, cắt cỏ tranh dựng cho cái lán để tá túc. Ban ngày đi cuốc đất, trồng đậu, khoai, sắn; tối đến ở trong lán không dám ra ngoài vì sợ thú dữ. Đến bây giờ nhớ lại tôi không biết làm sao mình vượt qua được khoảng thời gian đó, khi mà có những ngày đói quá mẹ con phải đi mót củ sắn về ăn lót dạ, khá hơn thì có bữa cơm độn, tôi phải nhặt từng hạt cơm để dành cho đứa con nhỏ nhất lúc đó mới 2 tuổi. Phải mất đến 10 năm, cuộc sống mới ổn định, kinh tế dần khá hơn”.

Làng quê trù phú, yên bình ở xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ) - nơi cư ngụ của những người thực hiện giãn dân từ nội thị Buôn Ma Thuột sau ngày giải phóng.

Ông Phan Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Theo lịch sử Đảng bộ xã ghi lại, trước giải phóng, nơi đây chỉ có 1 thôn người Kinh và 1 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Sau khi tiếp nhận người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 15/1/1976, xã Bình Thuận chính thức được thành lập và chia làm 7 thôn với dân số 4.487 người. Để người dân yên tâm định canh, định cư, trạm y tế xã được xây dựng và có cán bộ y tế phụ trách chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh; công tác giáo dục được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, thu hút giáo viên từ nơi khác đến dạy học, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa cho nhân dân...”.

Trải qua 49 năm từ khi mở đất lập làng, từ một vùng rừng núi hoang vu, đến nay xã Bình Thuận đã vươn mình trở thành một vùng quê trù phú. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, trong đó nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả và làm thay đổi diện mạo của địa phương, đem lại thu nhập cao cho người lao động; hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang đồng bộ... Có được thành quả đó là nhờ sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương