Multimedia Đọc Báo in

Bãi bỏ giấy phép xây dựng: Cần xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ và hiệu quả

07:18, 02/07/2025

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, việc xem xét bãi bỏ giấy phép xây dựng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và giới chuyên môn trong những ngày vừa qua.

Cuối tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Vậy, việc bỏ giấy phép xây dựng có thực sự là “lợi đôi đường” như nhiều ý kiến nhận định, hay vẫn còn đó những “cái khó” cần được giải quyết?

Trên phương diện tích cực, việc bãi bỏ giấy phép xây dựng được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bởi hiện nay quy trình xin giấy phép xây dựng tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và nguồn lực đầu tư. Việc cắt giảm thủ tục này sẽ giúp người dân tiết kiệm đáng kể thời gian (thay vì 15 - 30 ngày chờ đợi, thậm chí hằng tháng) và chủ động hơn trong việc triển khai xây dựng các công trình.

Một công trình được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn phường Buôn Ma Thuột.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, việc giảm bớt gánh nặng hành chính sẽ thúc đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, tối ưu hóa vận hành, đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Việc rút ngắn thủ tục sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy nguồn cung hợp pháp cho thị trường. Điều này đặc biệt đúng với các dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thuộc khu vực đã phê duyệt thiết kế đô thị, nơi các chỉ tiêu kỹ thuật đã được xác định rõ ràng, cho phép áp dụng cơ chế đăng ký xây dựng thay vì xin phép theo truyền thống.

Không chỉ có vậy, việc bỏ giấy phép xây dựng còn giúp cơ quan quản lý tiết kiệm thời gian và nhân lực. Thay vì tập trung vào công tác tiền kiểm phức tạp, chính quyền địa phương có thể chuyển sang hậu kiểm tại khâu hoàn công, coi đây là “chốt chặn” hiệu quả để bảo đảm trật tự xây dựng. Điều này giúp bộ máy hành chính tinh gọn hơn, tập trung vào công tác quản lý chất lượng và quy hoạch đô thị.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, việc bỏ giấy phép xây dựng không phải là một quyết định dễ dàng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho rằng, quá trình rà soát và thực hiện cần phải hết sức thận trọng, đánh giá tác động toàn diện để tránh những hệ lụy tiêu cực. Một trong những thách thức lớn nhất là bảo đảm kiểm soát chất lượng và trật tự xây dựng khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu không có hệ thống quản lý đủ mạnh, đồng bộ và minh bạch, việc bỏ giấy phép có thể dẫn đến tình trạng xây dựng sai quy hoạch, vượt tầng, lấn chiếm chỉ giới… gây ra những vấn đề phức tạp về quản lý đô thị.

Người dân cũng có thể gặp rủi ro pháp lý nếu tự triển khai xây dựng mà thiếu hiểu biết về các quy định kỹ thuật, chỉ giới, chiều cao, hoặc không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Hậu quả có thể là bị xử phạt hành chính, cưỡng chế thi công, thậm chí phải tháo dỡ toàn bộ công trình ở khâu hậu kiểm, gây tổn thất lớn về tài chính và tinh thần.

Thách thức khác là việc quản lý xây dựng ở các khu vực dân cư lâu năm, đặc biệt là trong các ngõ hẻm sâu. Với tình trạng phố xá đông đúc, các mảnh đất khi góp lại, hợp thửa lại, việc quản lý sẽ vô cùng phức tạp nếu không có sự giám sát chặt chẽ ngay từ đầu. Khả năng triển khai việc bỏ giấy phép vào sâu trong các con hẻm đã tồn tại lâu năm tại các đô thị sẽ đối mặt với nhiều bất cập, biến số, dễ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực phải xử lý về sau.

Một dự án khu đô thị đang triển khai trên địa bàn phường Buôn Ma Thuột.

Để việc bỏ giấy phép xây dựng thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị cần thực hiện theo lộ trình có kiểm soát, tránh thực hiện ồ ạt. Trước mắt, nên áp dụng thí điểm đối với các dự án đã có quy hoạch 1/500, thiết kế thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong các khu công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh.

Những động thái gần đây của UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai khi xem xét cho phép người dân đăng ký xây dựng và thí điểm bỏ giấy phép xây dựng tại TP. Biên Hòa (cũ) và TP. Long Khánh (cũ) cho thấy một hướng đi tích cực và thận trọng. Đồng thời, việc đầu tư vào nâng cao năng lực hậu kiểm của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

Điều này bao gồm việc số hóa toàn bộ dữ liệu quy hoạch và xây dựng; thiết lập chế tài xử phạt nghiêm khắc và minh bạch hóa quy trình kiểm tra giám sát. Chỉ khi có một hệ thống quản lý đủ mạnh và đồng bộ, việc bỏ giấy phép xây dựng mới thực sự góp phần tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và phát triển bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.

Việc bỏ giấy phép xây dựng là một bước tiến mạnh mẽ, thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những lợi ích như kỳ vọng và vượt qua những thách thức tiềm ẩn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, con người và công nghệ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể biến “cái khó” thành “cái khôn”, mở đường cho một tương lai xây dựng phát triển, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc