Con cái không phải là "bảo hiểm tuổi già" của bố mẹ!
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Đáng lo hơn, có tới khoảng 70% người cao tuổi không có thu nhập; 30% không có bảo hiểm y tế. Chúng ta cần phải làm gì để tránh tình trạng một người trẻ phải chăm sóc 6 người già? Làm sao để người già có thể tự lo và tự do?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo dự đoán, đến năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số và vào năm 2050 sẽ là xã hội siêu già với khoảng 25% người cao tuổi. Nhiều chuyên gia cảnh báo dân số Việt Nam hiện đang đối mặt với ba thách thức lớn là mức sinh thấp, chênh lệch giới tính khi sinh và tốc độ già hóa tăng nhanh.
Ảnh minh họa: Internet |
Hệ lụy của việc giảm sinh và xu hướng chỉ sinh một con của nhiều cặp vợ chồng hiện nay là những đứa trẻ là con một hiện được bảo bọc bởi cha mẹ và 4 ông bà nội ngoại, song khi trưởng thành phải gánh vác chăm sóc cùng lúc 6 người cao tuổi bởi không có anh chị em hỗ trợ. Quả là một gánh nặng! Dù có yêu thương ông bà, bố mẹ đến đâu thì việc cùng một lúc chăm sóc 6 người già vẫn là quá sức đối với một người trưởng thành, bởi người này vẫn ở trong độ tuổi lao động, phải lo lắng cho bản thân và gia đình nhỏ của mình (nếu có). Nếu người con trưởng thành có điều kiện về sức khỏe, tài chính để chăm sóc bố mẹ thì không vấn đề gì nhưng trong trường hợp không mong muốn là người con ở xa, kinh tế eo hẹp thì con có muốn chăm sóc bố mẹ cũng lực bất tòng tâm. Nếu con cái trưởng thành làm việc ở một quốc gia khác thì làm sao có thể vượt nửa vòng trái đất để về chăm sóc cha già mẹ yếu ngay lập tức?
Vì vậy, để đối mặt với hệ lụy của già hóa dân số, tránh tình trạng một người trẻ phải chăm sóc cùng lúc 6 người cao tuổi thì mỗi người cha mẹ cần phải thay đổi cả trong tư duy lẫn hành động cụ thể.
Về mặt tư tưởng, cha mẹ nên hạnh phúc khi con cái có thể sống tốt, không dựa dẫm vào mình thay vì mong cầu con luôn bên mình khi đau ốm, lễ, Tết. Hạnh phúc là khi cha mẹ có thể tự lo và tự do lúc tuổi già chứ không nhất thiết cứ phải là con cháu bên cạnh! Tôi không thích những quảng cáo có hình ảnh ngày giáp Tết, ông bà, bố mẹ buồn rười rượi, tựa cửa nhìn ra cổng ngóng đợi con cháu trở về. Con cháu không về là xem như mất Tết. Cần phải có nếp nghĩ mới: không phải cứ Tết là con cháu phải bằng mọi giá về thăm mới là có hiếu. Bất cứ khi nào con cháu về thăm được cũng là đáng quý.
Về hành động cụ thể, mỗi cha mẹ cần phải chuẩn bị cho tương lai tuổi già của mình ngay từ khi còn trẻ. Cha mẹ cần tiết kiệm tài chính cho bản thân, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm cho cuộc sống của mình khi đã hết tuổi lao động. Đầu tư cho con cái ăn học tử tế nhưng cũng phải tích lũy tiền dưỡng già cho bản thân. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng người cao tuổi lại mắc khoảng 3 - 6 bệnh nền; chi phí y tế cho người cao tuổi gấp 7 - 10 lần người trẻ. Người cao tuổi (từ sau 60 tuổi) sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc chữa bệnh. Với người từ 80 tuổi, trung bình đã có tới 14 năm sống trong bệnh tật. Bởi vậy, mỗi người phải luôn có ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ khi còn chưa già. Ông bà, cha mẹ già nhưng mạnh khỏe, tự lo được cho bản thân cũng là hạnh phúc của con cháu.
Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số tăng là xu thế chung không quốc gia nào có thể cưỡng lại được nên tất yếu mọi người cũng phải tự chuẩn bị cho tuổi già tự lo và tự do của chính mình. Con cái không thể và không nên được xem như "bảo hiểm tuổi già" của bố mẹ!
Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc