Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về cái bành voi

07:28, 29/08/2021

Từ động vật hoang dã, voi đã được con người thuần dưỡng phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: đi lại, vận chuyển, đi săn...

Trong việc phòng vệ, voi được huấn luyện thành voi chiến, gọi là tượng binh. Lưng voi là nơi nài voi ngồi, dùng ngôn ngữ và dụng cụ điều khiển. Để tiện lợi và an toàn, người ta đã sáng chế ra chiếc bành đặt trên lưng voi. Nhờ chiếc bành, voi chở được nhiều người, hàng hóa, khí giới. Chiếc bành vừa là đồ vật gắn với phương tiện vận chuyển hoang dã này cũng vừa là vật trang trí làm đẹp cho con voi.

Các triều đại như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê... thường dùng voi trong sinh hoạt cung đình. Voi ở kinh thành gọi là kinh tượng, dùng để canh gác các địa điểm trọng yếu, đi đầu trong các đám rước, lễ hội cung đình, chở vua quan vi hành. Do đó, voi phải được trang điểm thật đẹp, sang trọng, nhất là nơi bành voi.

Ba con voi từ Lào được đưa đến Hà Nội tham gia hội chợ Đấu xảo năm 1902. Ảnh: Internet

Triều Nguyễn duy trì số voi đông nhất và rất xem trọng vai trò của con voi trong chiến đấu và hoạt động cung đình. Từ chúa Nguyễn đến các vua nhà Nguyễn đều có sự ưu ái đặc biệt với loài voi. Tượng binh là “binh chủng” chủ lực của triều đình. Bành voi chiến được trang trí công phu nhất. Bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12-1902, đúng 100 năm ngày vua Gia Long khai sinh vương triều Nguyễn, đặt tên là “Lễ phục triều đình An Nam”. Trong bộ tranh đó có bức vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi và ba người lính đi bên cạnh con voi mặc binh phục, đội nón dấu, lưng thắt khăn với các màu sắc khác nhau. Thời Tây Sơn, voi chiến hùng mạnh nhất. Bành voi là nơi có thể đặt súng thần công, một hỏa lực lợi hại của nghĩa quân.

Ở một số nước Đông Nam Á như Lào, Myanmar, con voi là tài sản quý giá nhất. Giống như Đại Việt, voi ở kinh thành các nước này được chăm sóc chu đáo, trang trí rất đẹp, nhất là ở chiếc bành. Bành voi ở Myanmar giống như cái xa lông, như cái giường nằm ngang lưng voi, dưới có lót thảm hoa văn tươi đẹp, trên có dù che, vua quan có thể ngồi trên đó rất thoải mái, theo bước chân voi để ngắm nhìn “thiên hạ”. Bức ảnh độc đáo của J. Antonio chụp 3 chú con voi đến Hà Nội từ “Xứ sở triệu voi” tham gia hội chợ Đấu xảo năm 1902. Bành voi của Lào giống như một cái nhà chòi di động. Mái và vách phía sau và hai bên có thể che mưa che nắng. Khi đến Hà Nội, hai trong số ba chú voi này được thay thế bành voi truyền thống bằng một cái bành được thiết kế giống như căn phòng với tiện nghi hiện đại hơn để các “quan lớn” người Việt và người Pháp ngồi lên thưởng lãm và chụp hình lưu niệm.

Voi ở chốn cung đình xứ sở Chùa vàng tháp trắng Myanmar. Ảnh: Internet

Tại Tây Nguyên - xứ sở của nghề thuần dưỡng và săn bắt voi rừng, đồng bào M’nông luôn có ý thức bảo vệ, làm đẹp cho voi. Chiếc bành voi (vơng) thường được làm bằng khung gỗ và dây mây; khi chở người và đồ đạc thì cái bành được buộc trên lưng voi. Bên cạnh cái bành còn có cái mui để che mưa che nắng, đồng bào gọi là kuk. Để giữ bành vững chắc, không nghiêng đổ khi voi đi nhanh hoặc lên xuống đồi dốc, đồng bào dùng sợi dây mây to, gọi là rse khôn choàng vào cổ, đuôi, bụng, nách voi. Những lúc thảnh thơi, vơng được bỏ xuống đất, “giải phóng” cái lưng của voi.

Một thời, ở huyện Buôn Đôn, những chú voi phải gồng mình chở khách du lịch. Gần đây, với phương châm phát triển du lịch bền vững, bảo vệ động vật quý hiếm, voi không còn phải chở khách du lịch, chiếc bành nặng nề được tháo bỏ để voi được nghỉ ngơi, dưỡng sức...

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.