Multimedia Đọc Báo in

Người đưa ching Kram “đứng lên và nhảy”

07:27, 29/08/2021

Nghệ nhân Nguyễn Đức (thôn 5, xã Hòa Thuận - TP. Buôn Ma Thuột) gọi điện thoại cho tôi nói rằng anh mới mày mò sáng tạo thêm bộ (chiêng tre) hết sức linh hoạt, giúp người sử dụng mở rộng không gian diễn tấu, chứ không còn cứng nhắc và bó hẹp như xưa. Nghe vậy, tôi háo hức đến nhà anh.

Quả thật đây là một sáng tạo rất độc đáo, bởi thông thường khi diễn tấu nhạc cụ ching Kram thì mỗi người mỗi ching (thanh tre), kẹp thêm dưới đùi một ống cộng hưởng và họ cứ ngồi yên một chỗ để đánh mà không hề thay đổi được vị trí, khiến người thưởng lãm có cảm giác đơn điệu.

Nghệ nhân Nguyễn Đức tốt nghiệp chuyên ngành sáo trúc - Học viện Âm nhạc Huế năm 1982. Anh là người đầu tiên nghiên cứu, phục chế lại một số loại nhạc cụ cổ xưa của người M’nông như sáo Wao, Mblo Dơng, Mblô Dít đã và đang biến mất trong đời sống cộng đồng. Anh đã tặng những nhạc cụ này cho Bảo tàng hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nhằm quảng bá, giới thiệu đến với công chúng.

Nghệ nhân Nguyễn Đức đã khắc phục hạn chế này bằng cách gộp cả hai (ching và ống cộng hưởng) lại thành một để diễn tấu dưới hình thức mới - đó là thanh chiêng và ống cộng hưởng được kết nối song song với nhau trên bộ khung bằng tre để vừa có chức năng nâng đỡ thanh ching, vừa là tay cầm nâng lên, đặt xuống và di chuyển tùy thích trong quá trình diễn tấu. Với cách thức này, nghệ nhân chơi ching Kram (do anh cải biến) tha hồ nhảy múa khi trình diễn trong bất cứ không gian nghệ thuật nào.

Anh tâm sự: Sáng tạo này cũng dựa trên nguyên lý âm điệu, tiết tấu và phiên chế (7 chiếc) dàn chiêng đồng truyền thống của người Êđê. Trước đó, nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) đã sáng tạo nên dàn ching Kram cộng hưởng bằng cách kết hợp 7 thanh tre lại với nhau theo hàng ngang; phía dưới là hàng ống thẳng đứng tương ứng để khuếch âm cho tiếng ching cao lên và vang xa hơn. Tiếp đến, nghệ nhân Trương Ân, nhạc công Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk lại cải tiến trên sáng tạo của nghệ sĩ Vũ Lân theo hướng gộp nhiều hơn thanh tre và ống cộng hưởng lại, tựa như những phím đàn piano hiện đại để có thể diễn xướng bất kỳ thể loại âm nhạc nào - từ truyền thống đến hiện đại dưới hình thức độc tấu, hay hòa tấu đều được nhờ thang âm của dàn chinh Kram này giàu lên và phong phú hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Đức diễn tấu ching Kram mới được sáng tạo.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Đức thì những cải biến ấy vẫn chưa thật sự linh động trong mọi không gian diễn xướng, vì người chơi phải đứng yên một chỗ, không thể di chuyển được nên đã hạn chế rất nhiều trong khi biễu diễn (là động tác nhún nhảy, hoán đổi vị trí cho nhau) trong không gian nghệ thuật nhất định. Vì thế, anh quyết định “xé” nhỏ chiếc “Piano tre trúc” trên để mang lại cho người diễn xướng ching Kram tung hứng bằng sáng tạo như đã trình bày - qua đó vừa giữ được vốn truyền thống, vừa tạo sự khác lạ, linh hoạt cho nhạc cụ vốn quen thuộc và gần gũi này trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Êđê.

Nghệ nhân Nguyễn Đức chia sẻ: Hồi đầu tháng 4 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Buôn Ma Thuột để làm chương trình nghệ thuật “Ngọn lửa Cao nguyên” (nhưng sau đó không thực hiện được do dịch bệnh COVID-19 bùng phát) ghé thăm anh, sau khi được “mục sở thị” sáng tạo này đã có nhận xét khá thú vị: Từ nay, người Êđê đã rời khỏi chỗ ngồi hàng trăm năm của mình để đứng dậy, nhảy múa với dàn ching Kram truyền thống. Đây thực sự là bước tiến để đưa vốn âm nhạc cồng chiêng đến với công chúng một cách sinh động và mới mẻ hơn.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.