Multimedia Đọc Báo in

Giọt hồng Tập thơ của lòng biết ơn

22:09, 01/08/2021

Tập thơ “Giọt hồng” xuất bản từ năm 1996 do Sở Văn hóa – Thông tin Đắk Lắk cấp phép với một đề tài duy nhất là viết về thương binh – liệt sĩ để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Tập thơ gần 80 trang in, 21 tác giả, 40 bài thơ và lời giới thiệu.

Mở đầu tập thơ là bài “Bài thơ viếng bạn” của tác giả Nguyễn Năng Độ (1908 – 1956), quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tác giả từng công tác tại Xứ ủy Trung Kỳ, năm 1928 từ Quảng Châu về nước, bị địch bắt tại Thanh Hóa và đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Tại đây, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, tác giả đã viết “Bài thơ viếng bạn”.

Hiu hắt ngoài song ngọn gió đông

Tờ mây xin gửi tới non bồng

Vá trời hò hẹn thân hồ hải

Hận đất chôn vùi kiếp kiếm cung

Non nước còn mơ hồn nghĩa hiệp

Giống nòi đâu chịu cảnh điêu vong

Nhớ anh, em chạnh niềm thân thế

Nợ nước thù nhà quyết trả xong

Bài thơ thể thất ngôn bát cú, ảnh hưởng thơ ca thời bấy giờ, vần điệu, niêm luật chặt chẽ, khí tiết cách mạng ngời ngời. Đây là bài thơ hay của chiến sĩ ở nhà lao Buôn Ma Thuột: “Vá trời hò hẹn thân hồ hải/Hận đất chôn vùi kiếp kiếm cung”.

Còn anh thương binh Nguyễn Đình Hãn tuy không phải nhà thơ nhưng trải lòng mình lên trang giấy, xúc cảm từ bản thân người lính viết về chính mình trong bài “Vết thương báo thức”:

Năm xưa đánh giặc ở rừng

Nay về thơ thẩn đếm từng nếp nhăn

Giật mình! Nhớ cảnh chiến tranh

Vết thương báo thức rừng xanh năm nào

Tôi thích từ “thơ thẩn”. “Thơ thẩn” là đăm chiêu suy nghĩ, là nhớ nhớ, quên quên. Tôi thích cả từ “Giật mình!”. Vết thương trong người báo thức, là khi trái nắng trở trời, lại đau nhức gợi về.

Nếu Nguyễn Đình Hữu là người lính tự bộc bạch thì Lê Tiến Dị là em của người lính đã hy sinh, để mỗi lần qua miền Trung lại khắc khoải nhớ thương:

Sau này đi qua miền Trung

Em nhìn lên dải Trường Sơn xa biếc

Có thể anh chẳng còn gì trong đất

Có thể chẳng còn gì nơi dòng sông…

(Qua miền Trung)

Điệp từ “có thể” thật nhói lòng. Hỏi mấy gia đình không có thương binh, liệt sĩ đã từng gắn bó Trường Sơn

Bài “Tiếng sáo đồng” của Phạm Danh là cảm xúc rất sâu về quê hương, đất nước. Cầm trên tay ống sáo đồng đã han gỉ của người lính thời đánh Mỹ mà liên tưởng: Yên lặng mà nghe người lính hát về mình/Hãy yên lặng mà nghe/ hỡi ai không biết khóc/ và hỡi ai nước mắt cạn khô rồi!

Bài “Đi tìm đồng đội” của Hoàng Mạnh Thường thật cảm động khi nghĩ về những người bạn chiến đấu đã hy sinh: Gió đại ngàn từng như quên/ Tiếng cuốc bới tìm chảy máu/ Thiêng thay sự không chết/ dựng lên thành đất/ đào ra thành nước/ cái hôm nay/ hóa với cái muôn đời. Cái hay là hồn thiêng liệt sĩ hòa với đất nước muôn đời. Từ “dựng, đào” ngữ nghĩa ẩn sau câu chữ.

Văn Thảnh có bài “Đôi cánh tay trần” viết về H’Măng, thương binh Đoàn văn công Giải phóng. Cánh tay trần đẹp như ngà voi mà bị lửa napan đốt cháy. Chi tiết này thật xúc động: Lửa na pan đốt hai cánh tay trần/ Hai ngọn đuốc đỏ trong đêm uất hận/ Những điệu múa thân quen cháy theo cùng khát vọng/ Đêm Krông Bông loang quầng lửa ngút trời. Văn công chỉ làm hay, làm đẹp cho đời, kẻ thù tàn bạo cũng coi văn hóa là đối tượng hủy diệt.

Hoàng Chuyên góp vào tập thơ với bài “Nốt nhạc bè trầm”, ẩn ý sâu sắc. Sự hy sinh thầm lặng, lắng xuống như bè trầm để bài ca vút cao lên: Chiều thu này hoàng hôn tím ngắt/nhuộm những ngôi mộ trong nghĩa trang/như những nốt nhạc bè trầm/của bài ca đất nước ngàn năm…

Những ngôi mộ trong nghĩa trang bởi hoàng hôn tím ngắt trời chiều là nốt nhạc bè trầm để đất nước vững bền.

Đồng Mỹ - một người lính biên phòng có bài “Đi trong mưa rừng” ghi lại cảnh đi tìm đồng đội thật nghẹn ngào: Những trận mưa tháng bảy/Nặng tưởng gãy đường mòn/Mắt rừng xanh mọng nước/Cay xé mùi khói hương!

“Mưa gãy đường mòn, mắt rừng mọng nước”, so sánh nào đúng và hay hơn thế. Chỉ người trong cuộc mới vì đồng đội mà không quản ngại: Cứ đi trong mưa xối,/Và gió quất lôi đình/Tìm nắm xương đồng đồng đội/Trong rừng Tây Nguyên xanh”.

Đồng Mỹ nói thay chúng ta, bất chấp thiên nhiên thử thách để trọn nghĩa, trọn tình với người đã khuất.

Là người chịu trách nhiệm xuất bản nên tôi viết lời giới thiệu đầu sách thật ngắn gọn: “Cái giá của Độc lập – Tự do trải qua một phần ba thế kỷ không bút nào tả xiết. Biết bao người vì nước hy sinh hoặc một phần máu xương hòa vào sông núi. Hội VHNT Đắk Lắk xuất bản tập thơ với tình cảm trân trọng yêu thương mong phần nào đền đáp ơn sâu, nghĩa nặng. Giọt hồng là máu, là nắng ấm, là hoa thơm của các anh, các chị tặng lại cho đời, cho Tổ quốc Việt Nam vút lên tầm cao mới”.

Cũng xin nói thêm: Hội VHNT Đắk Lắk là hội duy nhất trong các Hội VHNT Trung ương và địa phương nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là Mẹ Lê Thị Nụ (nay đã mất) từ năm 1995, ở huyện M’Drắk.

Nhân dịp 27-7-2021, điểm lại tập thơ này cũng là thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh.

Tập thơ này có công sức của nhà thơ Phạm Danh, Hoàng Mạnh Thường tập hợp bài và biên tập, có công vẽ bìa của họa sĩ Lê Vấn.

Tháng 7-2021

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.