Multimedia Đọc Báo in

Ngỡ ngàng với không gian nhà Việt

11:13, 08/08/2021

Không gian nhà Việt Nam -Vinahouse Space” nằm giữa con đường nối hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn – Hội An thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là công trình phục dựng rất quy mô về không gian kiến trúc nhà Việt đầu tiên ở Việt Nam.

“Không gian nhà Việt Nam -Vinahouse Space” được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 13-6-2013 nhân dịp lễ hội “Quảng Nam – hành trình di sản” lần thứ V. Đây là quần thể gồm 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình kiến trúc được phục dựng trên diện tích 11.000 m2 với năm khu chuyên biệt: Khu bảo tàng, khu làng nghề truyền thống, khu bán hàng mỹ nghệ, khu trà đạo và khu đặc sản ba miền. Mỗi không gian là một màu sắc riêng, mang đến sự êm đềm cho du khách, gợi nhớ về những nếp nhà Việt, làng nghề Việt xưa cũ.

Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam có số cột nhiều nhất (108 cây cột) với niên đại 200 tuổi.

Du khách có thể tham quan ngôi nhà cổ “tam gian tứ hạ” niên đại 200 năm tuổi có số cột nhiều nhất (108 cây cột), được xem là kiến trúc nhà ở cổ truyền lớn nhất ở Quảng Nam. Hay ngôi nhà tranh tre một gian hai chái, niên đại trên 100 năm tuổi được phục chế lại, với các nông cụ truyền thống của cư dân “ngàn năm lúa nước” miền Trung.

Ngoài ra, còn có các kiến trúc nhà ba gian hai chái vỏ cua, nhà bát giác cung đình Huế, nhà tranh tre cổ và nhà Gươl của đồng bào Cơ tu (Quảng Nam), nhà bánh ú (Quảng Trị), nhà rường (Quảng Bình), nhà tứ giác và lục giác (Nam bộ), nhà bát giác và nhà ba gian hai chái (Bắc bộ), nhà thủy đình hồ bán nguyệt (Bắc Ninh)… cũng đặc sắc không kém. Trong đó, ngôi nhà hình chiếc nón được lợp bằng hàng triệu miếng gáo dừa đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đạt kỷ lục quốc gia.

Đặc biệt, trong “Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse Space” còn là nơi trưng bày của các làng nghề mộc nổi tiếng khắp 3 miền như: Ý Yên (Nam Định), Phú Xuyên (Hà Tây), Mỹ Xuyên (Huế), Kim Bồng – Văn Hà (Quảng Nam)… Du khách đến đây sẽ được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làng nghề mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) và Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) say sưa chạm khắc tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Không chỉ được ngắm nhìn quá trình sáng tạo của các nghệ nhân, du khách còn được trực tiếp tham gia vào các công đoạn chạm khắc gỗ dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.

Đúc mì Quảng Phú Chiêm truyền thống tại không gian nhà Việt

Được biết, không dừng lại ở việc trưng bày, “Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse Space” còn hướng đến đào tạo một thế hệ những người thợ mộc trẻ nhằm nắm bắt, gìn giữ tinh hoa làng nghề truyền thống. Nhờ vậy, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ hơn 10 thợ và nghệ nhân chủ yếu trùng tu nhà cổ, đến nay sau 20 năm hoạt động, Vinahouse đã phục chế, trùng tu hàng nghìn căn nhà gỗ truyền thống và hàng chục nghìn tác phẩm điêu khắc trên gỗ.

Sau khi tham quan, tìm hiểu kiến trúc nhà cổ, du khách còn được thưởng thức ẩm thực ba miền đất nước với những món ăn quê đặc trưng như: mì Quảng, bún bò Huế, cơm lam, cơm hến, bánh nậm, bánh bèo, bánh xèo… Ngồi nhàn nhã bên chén trà sớm, trong hương hoa cau, hoa khế thoang thoảng giữa không gian làng quê thanh bình, êm ả, du khách sẽ thấy lòng thật an nhiên, thanh tịnh…

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.