Multimedia Đọc Báo in

Ngôi chùa độc đáo nơi cuối đất phương Nam

10:20, 17/09/2021

Chùa Phật Đà còn có tên dân gian là chùa Lò Gạch, bởi chùa có một điện thờ được xây dựng giống y hệt một lò gạch thủ công thường thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi chùa độc đáo này nằm dưới chân núi Bình San thuộc phường Bình San, TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Theo các nguồn tư liệu, năm 1945 Hòa thượng Thích Chí Hòa (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) trên bước đường hành đạo xứ Hà Tiên đã dừng chân tại đây và xây dựng một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá đơn sơ có tên là Tịnh xá Chí Hòa. Lúc mới lập chùa, nơi đây có cái lò gạch bỏ hoang được sử dụng làm chánh điện nên dân địa phương thường gọi là chùa Lò Gạch.

Năm 1949, Hòa thượng Thích Chí Hòa cùng với vài đệ tử rời chùa sang Campuchia để xiển dương Phật pháp. Một năm sau đó, Hòa thượng trở về lại quê hương và tham gia kháng chiến chống Pháp… Đến năm 1954, Hòa thượng ra Bà Rịa - Vũng Tàu và viên tịch tại đây.

Cổng vào chùa Lò Gạch.

Do trải qua thời gian dài chiến tranh, không người chăm sóc, tu bổ nên chùa Lò Gạch bị hư hỏng, xuống cấp. Tháng 9-1993, chùa được trùng tu xây dựng lại. Khi xây dựng, các sư có ý tưởng phục dựng lại cảnh cũ như sự hồi tưởng, tri ân đến những tiền bối đã có công khai sơn, hoằng pháp.

Năm 2009, chùa Phật Đà được sửa chữa, trùng tu lại rất khang trang với đầy đủ các hạng mục cần thiết cho sự sinh hoạt của một Phật viện. Với lối kiến trúc Á Đông hài hòa, trang nghiêm, thanh nhã mang dấu ấn Phật giáo đại thừa, chùa Phật Đà cùng thắng tích “Bình San Điệp Thúy” đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của vùng đất biên viễn Hà Tiên. Du khách đến Hà Tiên thường ghé vào chùa Lò Gạch viếng thăm, chiêm bái, lễ Phật và thưởng ngoạn công trình kiến trúc Phật giáo thâm trầm, độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, vừa cổ kính lại vừa hiện đại…

Đến viếng chùa, du khách sẽ vào cổng có kiến trúc theo phong cách Đông Bắc Á (Hàn, Nhật), mái cổng đối xứng, lợp ngói xám sẫm, không có cổng phụ (khác với các cổng tam quan truyền thống, ngói đỏ hoặc xanh, thường có 2 cổng phụ). Phía tay trái liền bên cổng có một cây bồ đề tuổi đời hơn 60 năm, thân cây có đường kính khoảng 1,5 m, tán lá sum suê, toàn bộ cội rễ đều mọc ra phía trước và hai bên mà không hề mọc vào trong sân chùa. Dưới gốc bồ đề là tượng Phật Thích Ca tọa thiền với dáng dấp, khuôn mặt thanh thoát, an nhiên, tự tại...

Chùa Lò Gạch.

Quần thể kiến trúc chùa gồm: chánh điện, nhà thờ tổ, đông lang và tây lang, nhà phương trượng và tăng phòng. Bên trong điện thờ có hình dáng lò nung gạch thờ Bồ tát Mục Kiền Liên, phía trên là tượng Đức Phật A Di Đà. Chánh điện đặt tôn tượng Phật Thích Ca tay cầm hoa sen theo truyền thuyết của Thiền tông, xung quanh có 5 vị chư tăng, tượng trưng cho ngũ phương ngũ Phật. Hai bên chánh điện là nhà chuông và nhà trống. Du khách sẽ trải nghiệm cảm giác mới lạ mà vẫn trang nghiêm khi vào trong “lò gạch” để đốt nhang, đảnh lễ…         

Về cuối đất phương Nam, khám phá những cảnh quan, non nước hữu tình, viếng thăm chùa “Lò Gạch” sẽ là một chuyến hành hương, du lịch hấp dẫn nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên…

Mai Lý


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.