Multimedia Đọc Báo in

Tri ân công đức thủ lĩnh đội “Vệ Thủy cơ biền binh”

07:32, 12/09/2021

Vệ Thủy là tên một ngôi miếu ở phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Song, khởi thủy đó là tên một đội thủy binh của tỉnh An Giang dưới triều Nguyễn, từng có nhiều công lao trong việc bảo vệ vùng biên thùy Tây Nam. Miếu Vệ Thủy là nơi người dân tôn thờ hai vị chỉ huy của đội thủy binh năm xưa là ông Đỗ Đăng Tào và ông Lê Văn Sanh.

Hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh đều là người làng Mỹ Hội Đông, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, năm sinh của hai ông đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu nào đề cập đến.

Theo truyền tụng của người dân trong vùng, thời trẻ hai ông là những thanh niên cường tráng và giỏi võ nghệ, đến tuổi trưởng thành thì tham gia vào quân đội triều Nguyễn. Ông Đỗ Đăng Tào ra đầu quân vào năm 1824 dưới triều vua Minh Mạng và trở thành Chánh đội trưởng đội thủy binh. Ông Lê Văn Sanh không rõ đầu quân năm nào nhưng đến năm 1844 dưới triều vua Thiệu Trị được bổ nhiệm làm Đội trưởng. Đội thủy binh của hai ông chỉ huy có nhiệm vụ kiểm soát trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang, nhiều lần dẹp bọn thảo khấu, giữ an ninh cho giao thương đường thủy.

Miếu Vệ Thủy nơi tri ân công đức của hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh.

Năm 1842, đội thủy binh được phân công dàn trận dẹp loạn thổ phỉ ở vùng biên giới ven kinh Vĩnh Tế, hai ông đã bày kế phục binh và đánh thắng. Sau đó, đội quân lại tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh giữa Đại Nam và Xiêm La những năm 1842 - 1845, chiến trường chính dọc theo vùng biên giới An Giang. Sau những công trạng đó, vua Tự Đức ban sắc chỉ cho đội quân của hai ông là “Vệ Thủy cơ biền binh”, ông Đỗ Đăng Tào được bổ nhiệm làm Quản cơ.

Khi đương chức, xét thấy vùng ngoại thành Châu Đốc còn hoang vu, hai ông đã chỉ đạo đào một con mương và lấy tên đội quân để đặt cho tên mương là Vệ Thủy (ngày nay người dân gọi tắt là mương Thủy, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc). Đồng thời hai ông cho khai khẩn đất hoang khu vực lân cận mương Vệ Thủy, chiêu mộ dân đến sinh sống và lập nghiệp.

Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm An Giang. Vì không muốn chiến thuyền rơi vào tay giặc, hai ông huy động lực lượng mang thuyền về giấu ở mương Vệ Thủy, ẩn lánh chờ thời cơ phục kích. Chẳng may sự việc bị bại lộ, hai ông cùng quân lính phải nhấn chìm thuyền xuống mương Vệ Thủy rồi cùng một nhóm tàn quân ít ỏi còn lại rút lui vào rừng Bảy Thưa. Tại đây, hai ông bí mật hợp tác cùng Chánh Quản cơ Trần Văn Thành tiến hành xây dựng căn cứ chống Pháp cho nghĩa binh Gia Nghị.

Nhưng chí lớn không thành, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của nghĩa binh Gia Nghị thất bại. Hai ông âm thầm quay về làng cũ, khoác lớp áo nông dân sống lặng lẽ đến những ngày cuối đời rồi ra đi trong niềm đau vong quốc. Ông Đỗ Đăng Tào mất ngày 19-6 âm lịch, mộ ông ở chợ Xẻo Bún; ông Lê Văn Sanh mất ngày 2-10 âm lịch, mộ ông ở chợ Tham Buôn. Người ta không nhớ chính xác hai ông mất năm nào, chỉ nhớ ngày tháng để làm lễ giỗ, hai địa danh nơi có phần mộ hai ông hiện nay đều thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Với công lao cùng nhân dân địa phương khai phá vùng đất mới ở khu vực mương Vệ Thủy, thảo trừ bọn cướp bóc trên sông Hậu và miền biên giới Thất Sơn, gây dựng hoạt động chống Pháp bảo vệ quê hương trong những ngày đầu bị xâm lược…, hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh được nhân dân tôn sùng, kính ngưỡng. Người dân Châu Đốc đã cùng nhau xây dựng ngôi miếu Vệ Thủy ở gần mương Vệ Thủy xưa. Buổi đầu, ngôi miếu nhỏ bé nằm khuất sâu trong khu đất lau sậy um tùm để che mắt giặc, nhân dân đã hết sức bảo vệ ngôi miếu này suốt thời kỳ chiến tranh. Về sau, miếu được trùng tu qua nhiều lần để có được diện mạo khang trang như ngày nay.

Mặt trước của ngôi miếu hướng về sông Hậu, mặt sau hướng ra đường Châu Long. Ngoài ra, tại xã Mỹ Hội Đông quê hương của hai ông, người dân cũng lập miếu Thần Vệ Thủy với quy mô nhỏ.

Miếu Vệ Thủy rất xứng đáng trở thành một trong những di tích lịch sử tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất Châu Đốc. Ngôi miếu không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn thể hiện rất rõ tấm lòng tri ân của nhân dân đến những tiền nhân có công với quê hương.

Huỳnh Lê Triều Phú


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.