Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống người M'nông xưa qua di sản ảnh

06:32, 03/10/2021

Trong kho tàng di sản ảnh về Tây Nguyên mới được công bố, giới thiệu gần đây có nhiều bộ ảnh, bức ảnh quý hiếm, giá trị về nhiều chủ đề khác nhau được xuất hiện.

Trong đó, đáng chú ý là những bộ ảnh về dân tộc M’nông được thực hiện trong thời gian đầu và giữa thế kỷ trước bởi các nhà dân tộc học, các nhà nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia đã ghi lại một cách chân thực và sống động về văn hóa tộc người M’nông như nhà cửa, săn bắt, canh tác nương rẫy, trang phục, trang sức, sinh hoạt lễ hội.

Bộ ảnh chụp người M’nông khá sớm vào những năm 1937 - 1939 do một kỹ sư cơ khí của Hải quân Pháp tên là Claude Berruyer (1915 - 2009) thực hiện. Claude Berruyer là người đam mê nhiếp ảnh, đã chụp hơn 1.000 bức ảnh về các nước Đông Nam Á. Trong đó, đặc biệt quý giá là bộ ảnh tư liệu về nghề săn bắt thú rừng của người M’nông ở Tây Nguyên với dụng cụ săn bắt rất thô sơ như bẫy, tên ná… Các bức ảnh cho thấy, thời đó đồng bào M’nông dựa vào núi rừng để sinh sống; sản vật từ rừng núi vây quanh đã cung cấp cho người dân bon làng nguồn sống dồi dào.

Làng M’nông Gar với những ngôi nhà trệt dài. Ảnh tư liệu

Ngoài ra còn có những bức ảnh đặc tả trang phục cổ của người M’nông như khố, váy, đặc biệt là trang sức bằng vòng ống đeo cổ tay, khuyên tai bằng ngà voi. Trang sức của người M’nông thời đó cũng có nét độc đáo như cài lông chim trên đầu, đeo nanh vuốt thú, những vũ khí tùy thân như dao nhỏ, gươm có vỏ bao bằng gỗ hoặc mây và dây đeo trên người… Tập quán trang sức như vậy hầu như hiếm thấy trong cuộc sống của người M’nông hiện nay. Các bức ảnh cũng thể hiện một số tập tục cổ xưa từng được miêu tả trong các thiên sử thi Ot N’drong của người M’nông như uống rượu bằng sừng. Trong lễ hội, họ lấy sừng múc nước đổ vào ché rượu, người được mời phải uống hết một vài sừng. Các chàng trai thi đố nhau, ai uống được nhiều sừng là người khỏe mạnh. Với kiểu uống bằng sừng, nhiều người ngất ngây trong men rượu, vui chơi hết mình.

Những năm 1948 - 1950, khi mới 27 tuổi, nhà dân tộc học Georges Condominas đã đến Việt Nam và lên cao nguyên miền Thượng để nghiên cứu về người M’nông. Ông đã “cùng sống, cùng ăn, cùng ở” với dân làng Sar Luk, làng Rơ Chay Trang Ýu, Trang Hách, Ndut Liêng Krăk ở huyện Lắk, cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 km về phía đông nam. Bên cạnh công trình nghiên cứu, sưu tầm 500 hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp), Condominas còn chụp hàng nghìn bức ảnh tư liệu giá trị.

Năm 2007 - 2008, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quai Branly tổ chức trưng bày “Chúng tôi ăn rừng” tại Hà Nội; qua đó người tham quan được xem nhiều bức ảnh miêu tả chân thực cuộc sống, sinh hoạt, trang phục, lễ hội của đồng bào M’nông những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ 20. Condominas còn có nhiều bức ảnh về trang sức như bông tai ngà voi, vòng bạc, vòng đồng, nhẫn, hạt cườm, trâm, cách thức làm đẹp, trang điểm của đồng bào M’nông. Trong ảnh của ông, ta thấy nhiều người đeo bông tai ngà voi, cả đàn ông, đàn bà, thậm chí cả trẻ em, chứng tỏ rằng làng Sar Luk ngày ấy rất khá giả, giàu có. Ông ghi lại cho người đời sau những hình ảnh sinh động về lễ hội Tâm ngết, lễ cúng hồn lúa, lễ cưới, lễ tang. Đặc biệt, cuộc sống mưu sinh của người M’nông trong ảnh của Condominas khá đặc sắc với cảnh trỉa lúa bằng cây chọc lỗ, cảnh gieo giống, tuốt lúa mùa, người chủ rẫy thổi kèn ống nứa gọi hồn lúa về kho, đoàn người trở về làng sau một ngày lao động trên nương rẫy, hội mừng mùa bội thu...

Tục uống rượu cần bằng sừng trâu của người M'nông. Ảnh tư liệu

Ngoài ra còn có Bộ sưu tập ảnh tư liệu dân tộc học gồm 200 bức về cuộc sống ở Tây Nguyên do Jean Marie Duchange (người Pháp, sinh năm 1919) chụp vào những năm 1952 - 1955. Ảnh được thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samflex chụp phim âm bản, là các loại máy ảnh tiên tiến thời bấy giờ. Jean Marie Duchange đã bảo quản rất cẩn thận bộ sưu tập nên hình ảnh vẫn có chất lượng rất tốt. Nhiều bức ảnh tư liệu có giá trị như bức chụp làng M’nông Gar với những ngôi nhà trệt dài mà ngày nay hầu như đã vắng bóng ở bon làng.

Bộ sưu tập ảnh quý giá về dân tộc M’nông là nguồn tư liệu quý giá khắc họa nhiều mảng khối của bức tranh văn hóa tộc người. Đặc biệt, tại Bảo tàng Đắk Lắk, ảnh tư liệu xưa của dân tộc M’nông được trưng bày, in trong vựng tập của Bảo tàng, giới thiệu về một phần di sản cổ xưa, những nét tinh hoa văn hóa của tộc người M’nông.         

Tấn Vịnh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.