Dàn đồng ca Sêrêpốk
Lần đầu chạm mặt, Sêrêpốk hiện ra trước mắt tôi như một sinh thể kỳ vĩ của miền đất bazan phía nam cao nguyên. Hoang dã, bí ẩn và tràn đầy sức sống mãnh liệt.
Già Y Kné, người dẫn chúng tôi vào một nhánh sông đầu nguồn sâu trong rừng nói rằng: Cuộc đời ông gắn bó với dòng sông này, lâu đến nỗi dường như ông có thể nghe ra hơi thở của nó.
Từ huyền tích một dòng sông...
Vợ chồng già Y Kné ở buôn Drang Phốk gần Buôn Đôn. Gần như suốt cả cuộc đời vợ chồng Y Kné tìm cái ăn từ dòng sông bằng cách bủa lưới, giăng câu. Nhưng chính ông cũng như nhiều người dân bản địa khác chưa từng đi hết ngọn nguồn con sông.
Chỉ có thể hình dung như sau: Miền đất phía nam dãy Chư Yang Sin chập chùng đồi núi. Nơi đây là ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Sông Krông Nô từ ở phía này của Chư Yang Sin bắt đầu chỉ là những con suối nhỏ.
Những con suối len lỏi giữa mênh mông rừng già xen lẫn bãi bồi các thung lũng để rồi gom góp nước trở thành sông Krông Nô với dòng chảy mạnh mẽ nhiều ghềnh thác, nhất là vào mùa mưa lũ. Phía bên kia dãy Chư Yang Sin mạn hồ Lắk và Krông Bông cũng có nhiều thác nước nhỏ chảy quanh năm giữa rừng già nguyên sinh.
Chúng nhanh chóng hợp lưu thành suối rồi thành sông Krông Ana đầy ắp nước. Từ hai phía khác nhau, sông Krông Nô và Krông Ana gặp gỡ thành “nút thắt” ngã ba sông, nơi có nhiều thác nước kỳ vĩ như Dray Sáp và Dray Nur. Và đây chính là nơi khởi nguồn dòng sông Sêrêpốk.
Có rất nhiều huyền tích xung quanh Sêrêpốk và hai dòng sông hợp lưu. Người dân bản địa cho biết tên gọi sông Krông Nô nghĩa là sông Chồng, sông Đực còn sông Krông Ana nghĩa là sông Vợ, sông Cái. Sông Sêrêpốk vì lẽ đó đã trở thành biểu tượng của đam mê và lòng chung thủy.
Khác với hệ thống sông ngòi ở cao nguyên và duyên hải miền Trung thường chảy về hướng Đông ra biển, Sêrêpốk lại chảy về hướng tây sang nước bạn Campuchia. Từ đây Sêrêpốk trở thành chi lưu của sông Mê Kông và sau đó lại xuôi về Cửu Long giang trên đất Việt Nam.
Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai ở xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo). Ảnh: Hoàng Gia |
Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Bi dẫn các tài liệu chỉ ra, không ai khác hơn những người dân bản địa là những người đầu tiên khám phá và chinh phục dòng sông Sêrêpốk.
Theo đó, các tộc người phía nam cao nguyên và cả các bộ tộc Lào, Cao Miên xa xôi cũng đã đi theo dòng sông này tìm chốn định cư. Vậy là, ngay giữa cao nguyên đã hình thành nên những buôn làng trù phú dọc ven đôi bờ Sêrêpốk.
... đến những điểm nhấn độc đáo
Trong hành trình chinh phục ngọn nguồn Sêrêpốk, chúng tôi đã nhiều lần phải dùng phương tiện khác bởi ghe thuyền không thể vượt qua các dòng thác chảy xiết. Với sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng, chúng tôi cũng đến được vùng biên giới, chỗ dòng sông rẽ sang nước bạn Campuchia. Ở đây, không có buôn làng, chỉ toàn rừng già và dòng sông mở rộng đôi bờ. Lính biên phòng bảo cứ đi xuôi thuyền chừng vài giờ là đến Stungtreng của nước bạn Campuchia.
Sêrêpốk ngoài việc cung cấp nguồn nước dồi dào còn là nguồn thực phẩm vô tận cho các buôn làng. Giống như vợ chồng già Y Kné, nhiều người chọn việc đánh bắt tôm, cá trên sông làm nghề chính. Sêrêpốk nổi tiếng với nhiều loài tôm, cá, trong đó cá lăng được xem là đặc sản. Già Y Kné kể, người ta bắt được những con cá lăng nặng vài ba mươi cân không phải là chuyện quá hiếm.
Cư dân miền sông nước Sêrêpốk cũng rất tự hào về một “đặc sản” khác đó là nghề làm thuyền độc mộc. Ngày xưa, để chế tác loại thuyền này, người ta dùng những thân cây gỗ tốt và thẳng. Sau khi đưa thân cây từ rừng về, người ta dùng than lửa đốt phần ruột cây rồi dùng rìu khoét sâu. Thuyền độc mộc nhỏ, nhẹ nhưng vững chắc và là phương tiện giao thông rất lợi hại.
Trên những chiếc thuyền độc mộc, men theo dòng sông Sêrêpốk, người dân bản địa xưa kia đã tiến hành nhiều cuộc viễn du tìm miền đất mới. Đó cũng là yếu tố chi phối khiến mỗi dân tộc càng về sau càng chia ra thành nhiều nhánh nhỏ và một số nhánh dù ở cao nguyên vẫn thạo nghề sông nước.
Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Lương Thanh Sơn cho biết, các nhà dân tộc học người Pháp lần đầu tiếp xúc đã rất ngạc nhiên với tộc người Êđê Bih sinh sống trên những ngôi nhà sàn ven sông.
Họ sống quần tụ xung quanh Buôn Trấp, huyện Krông Na ngày nay. Là cộng đồng cư dân vùng cao nhưng họ thạo nghề chài lưới, đi thuyền độc mộc, thậm chí có cả nghề làm gốm gia dụng truyền thống độc đáo không tìm thấy ở đâu trên đất cao nguyên.
Đồng bào Gia Rai thực hành nghi lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhắc đến Buôn Trấp cũng nên nói đến những người phụ nữ với dàn chiêng Bih có một không hai. Theo phong tục, hầu hết các dân tộc bản địa dàn chiêng chỉ do đàn ông, con trai đánh nhưng ở đây dàn chiêng lại do các nữ nghệ nhân biểu diễn. Thật khó để chứng minh nhưng dường như ở đây có mối liên hệ mơ hồ và đặc biệt nào đó về dòng sông Cái, dòng sông Vợ (sông Krông Ana) với dàn chiêng Bih do những người phụ nữ cầm chịch.
Nằm trong không gian văn hóa gần gũi với Buôn Trấp, hồ Lắk phía đầu nguồn Krông Ana cũng là một điểm nhấn địa lý độc đáo. Nằm dưới chân những dãy rừng già nguyên sinh Chư Yang Sin, hồ Lắk rộng mênh mông và đầy nước ngay cả trong những mùa hè khô cằn nhất.
Ở đây, các nhóm đồng bào dân tộc bản địa sống gần gũi và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về ngôn ngữ cũng như đời sống sinh hoạt. Dựa vào nguồn nước vô tận của hồ Lắk, các buôn làng xung quanh hồ biết trồng lúa nước, thạo việc đánh bắt cá cũng như các nghề phụ liên quan đến đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt...
Vĩ thanh
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lịch sử các nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông. Trong suốt cuộc hành trình chinh phục dòng Sêrêpốk cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa, chúng tôi nhận ra rằng dòng sông này như một sinh thể đa tính cách: lãng mạn, hồn nhiên, phiêu lưu nhưng cũng đầy khao khát, dữ dội, quyết liệt. Dĩ nhiên và cũng không khó để chỉ ra rằng, tính cách của dòng sông đã để lại những trầm tích văn hóa trong đời sống cư dân bản địa.
Sêrêpốk vẫn mải miết chảy như đã từng chảy qua ngàn vạn năm. Trên từng chặng hành trình theo dấu đời sông, chúng tôi chợt nhận ra Sêrêpốk chính là dàn đồng ca vang vọng âm thanh của núi đồi và thảo nguyên, của những cổ tích lưu dấu con người và vùng đất, vừa huyền ảo vừa hiện thực, và cả những xa xôi quyến rũ, mời gọi...
Phạm Nguyễn Thanh Thiên
Ý kiến bạn đọc