Multimedia Đọc Báo in

Hà Nội – những ký ức một thời

17:11, 27/10/2021

 1. Tháng 9-1991, tôi được cơ quan cử đi học tập nghiệp vụ ở Thủ đô Hà Nội trong thời gian 2 năm. Trường Đại học Tuyên giáo (Trường Tuyên huấn Trung ương cũ), tiền thân của Học viện Báo chí - Tuyên truyền đóng ở thị trấn Cầu Giấy, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy), cách trung tâm Hà Nội khoảng 6 km.

Lúc ấy giảng đường, khu làm việc các khoa phòng của trường đều là nhà cấp 4, chỉ có ký túc xá học viên là nhà cao tầng. Khu ký túc xá nằm cuối khuôn viên trường. Từ trên tầng lầu nhìn thấy Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cách trường một cánh đồng lúa; và phía giáp đường Nguyễn Phong Sắc còn có mấy lò gạch với những đám ruộng bị đào nham nhở. Còn phía bên kia cổng trường là lối vào làng Vòng làm cốm nổi tiếng thuộc xã Dịch Vọng.

Tôi đã có lần ghé qua chơi, không ngờ cách con đường nhựa lớn huyết mạch của một cửa ngõ Thủ đô chỉ dăm chục mét lại ẩn mình một làng quê Bắc Bộ điển hình: những lối đi quanh co chật hẹp, vương vãi rơm rạ; những căn nhà xây quét vôi lợp ngói, bên cạnh hoặc đằng sau nhà có chuồng trại nuôi trâu, bò, heo, gà và không thể thiếu ao bèo. Nhà nào cũng bề bộn thúng mủng, chày cối giã cốm.

Trước làng là một cánh đồng lớn - cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho nghề làm cốm. Đến mùa cốm người trong làng đem cốm đựng trong thúng ra ngồi bên đường nhựa chỗ những đoạn còn trống nhà cửa để bán.

Thời đó dân cư còn thưa thớt, đoạn từ ngang Chùa Hà trở lên Dịch Vọng, Mai Dịch vẫn còn nhiều ruộng và ao. Nói thêm về cánh đồng xã Dịch Vọng, cánh đồng này hồi đó chạy tới tận Tây Mỗ, Đại Mỗ giáp với thị xã Hà Đông của tỉnh Hà Tây cũ, tôi đã có lần đi tắt từ Đại Mỗ về Cầu Giấy qua cánh đồng này khi đi thăm người bà con ở Hà Đông. Nay khu vực này đã trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất của Thủ đô, với các cụm chung cư Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu Liên hợp thể thao, Sân vận động Quốc gia...

Nữ sinh Hà Nội những năm 1990.

2. Mỗi lần có việc ra trung tâm Hà Nội, một địa điểm tôi thường đi qua một vòng rồi mới trở về trường đó là Quảng trường Ba Đình. Không gian thoáng đãng, con đường Hùng Vương rộng thênh thang, Lăng Hồ Chủ tịch bề thế, uy nghiêm tạo một cảm giác bình yên đến lạ. Thời gian tôi học cũng là thời điểm nhạy cảm chính trị: Liên Xô và các nước khối Đông Âu tan rã. Hồi đó hàng hóa Đông Âu tràn ngập phố phường, như đồ điện máy của Liên Xô; xe máy, xe đạp của Tiệp Khắc, Đông Đức...

Rất nhiều nhà có con cái, người thân, bạn bè đi học, đi công cán, lao động ở Đông Âu. Lúc đó cũng vừa thoát khỏi bao cấp được mấy năm. Trong câu chuyện bao giờ cũng có câu: “Không biết tình thế rồi sẽ đến đâu?”. Tôi có chị đồng hương, một lần khi nghe chị “than thở”, tôi nói: “Không hiểu sao mỗi lần đi qua Quảng trường Ba Đình em vẫn thấy vững tin lắm!. Chị tin đi, rồi thời gian sẽ trả lời”. Thời gian, thế mà cũng đã 30 năm rồi…

3. Thật khó kể hết những kỷ niệm trong 2 năm sống ở Thủ đô. Ấn tượng còn in đậm trong tôi đó là những ngày gian khó về nhiều mặt; phố thị vẫn chưa tách biệt hẳn với làng quê. Hà Nội 30 năm trước thanh lịch và dung dị, không sôi động và choáng ngợp như bây giờ.

Tôi may mắn được sống ở nơi đây những ngày đầy ý nghĩa, được giao lưu gặp gỡ bạn đồng nghiệp đến từ nhiều vùng miền; được học với những giáo sư đầu ngành để tự tin rèn nghề; được “tắm” trong khí thiêng của vùng đất ngàn năm văn vật để luyện chí, khẳng định niềm tin... Ngày ấy, Hà Nội thịnh hành ca khúc “Thời hoa đỏ” (Nguyễn Đình Bảng phổ thơ Thanh Tùng) –  là thời của mộng mơ, của khát khao, của “lửa cháy” như ca từ trong ca khúc. Với tôi, những ngày sống ở Thủ đô là “thời hoa đỏ” mãi cháy rực không bao giờ nguôi…

Dương Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.