Hiền minh như rừng
Với chúng ta, khi vào rừng thường có cảm giác bất trắc và nguy hiểm, nhưng đối với những người M’nông ở làng Sar Luk (xã Krông Nô, huyện Lắk) thì đó là không gian rất đỗi thân thuộc và gần gũi của họ. Rừng trong tâm thức của mỗi người là “bà mẹ thiên nhiên” giàu ân sủng.
Tôi đã đến đây vài lần và đã có dịp chứng kiến cách mà người M’nông (cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên nói chung) gọi là “ăn rừng”. Khái niệm này dùng để chỉ cách hành xử, cũng như thái độ của cộng đồng đối với rừng.
Già Ong Kla Siên ở làng Sar Luk chỉ ra cho tôi thấy người M’nông sống theo “đạo đức của rừng” như thế này: Trước hết là trong đời sống canh tác nương rẫy để bảo đảm nguồn sống tối thiểu - họ làm lễ tạ ơn rừng, sau đó chặt đốt một khoảnh rừng và trỉa lúa xuống đấy. Chất mùn do lá rụng lâu năm và chất tro đốt có tác dụng như nguồn phân bón hữu cơ. Một khoảnh đất canh tác như vậy trong hai đến ba năm thì bạc màu, người ta để hưu canh (hay nói cách khác là để cho đất nghỉ ngơi) rồi chuyển sang đốt một khoảnh rừng khác. Kỹ thuật chặt và đốt rừng làm rẫy được cộng đồng quy định rất chặt chẽ trong luật tục, không hề lãng phí và càng không bao giờ để xảy ra cháy rừng…
Già Siên bảo rằng, tổ tiên ông ngày xưa, mỗi hộ trong làng thường có từ 10 - 20 rẫy. Khi khai thác đến rẫy thứ 10 hay thứ 20 thì quay lại rẫy đầu tiên, lúc ấy đã là 40 - 60 năm, khoảng thời gian đủ cho rừng tái sinh trở lại. Đấy là phương thức tìm nguồn sống từ rừng và nuôi rừng cực kỳ khôn ngoan được tích lũy và thực hành hàng nghìn đời nay của người M’nông.
Tác phẩm nổi tiếng “Chúng tôi ăn rừng” của nhà dân tộc học trứ danh người Pháp - George Condominas chính là nói về cách sinh sống, hành xử hết sức hiền minh này của người M’nông Gar ở đây. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cũng cho rằng, đây là phương thức canh tác “luân khoảnh”, hay gọi đúng hơn “luân canh” - như vậy thì việc chặt, đốt rừng làm rẫy theo “đạo đức” ấy của họ không thể quy kết là phá rừng được!
Và trên bình diện nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn càng không thể nhìn vào đó mà cho rằng người M’nông cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên “du canh, du cư” như quan điểm từng được những người đứng ngoài cuộc “phán xét”.
Nhà rông - kiến trúc độc đáo của dân tộc Bana. Ảnh: T.L |
Tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học trong và ngoài nước có thể thấy rõ qua yếu tố kiến trúc nhà ở của các tộc người Tây Nguyên. Phía Bắc vùng đất này thì có kiến trúc nhà rông, có ngôi cao đến vài chục thước, cột to tới hai người ôm (ví như ngôi nhà rông của người Bana ở làng Kon Rbàng - TP. Kon Tum).
Phía Nam thì có kiến trúc nhà dài với quy mô không kém, có khi dài đến cả trăm mét được làm bằng nhiều cây gỗ to nguyên khối, không ghép nối (như ngôi nhà dài của tù trưởng tộc người Êđê Ama Thuột - TP. Buôn Ma Thuột). Kiến trúc nhà ở vững chãi, đồ sộ như vậy cho thấy họ không sống tạm bợ, không di chuyển nay đây mai đó - họ không hề du cư!
Trong cuốn sách “Chúng tôi ăn rừng” của George Condominas, viết về phần Không gian sinh tồn (espace vital) và cũng là không gian xã hội (espace social) của một làng như làng Sar Lur mà ông từng gắn bó nhiều năm - nhà dân tộc học này chỉ rõ tộc người ở đây chỉ dời làng trong mấy trường hợp: khi có dịch bệnh, chết nhiều người, hoặc khi mất nguồn nước sinh hoạt… Còn lại bao giờ làng cũng được định cư ở một vị trí thuận lợi cho phương thức canh tác nói trên, vì thế họ cũng không hề du canh. Làng/buôn/bon của người Tây Nguyên luôn chọn đặt tại tâm điểm của vòng luân khoảnh trong phương thức canh tác nương rẫy ấy.
Già Ong Kla Siên chia sẻ với tôi những điều hệt như vậy - và ông bảo rằng, trong thời gian cần phải làm việc nhiều ở nương rẫy, những người lao động chính thường sống ở chòi tạm dựng lên ở đó, trong làng chỉ còn người lớn tuổi và trẻ em. Hết mùa rẫy làng lại đông vui - và đây cũng là mùa “Ning nong” (mùa nhàn rỗi) diễn ra nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng, kéo dài cả tháng trời, để mọi thành viên thỏa sức vui chơi và cố kết sức mạnh cộng đồng.
Từ đây tôi nhận ra một điều, không những già Siên mà hầu hết người người Tây Nguyên - tự trong sâu thẳm của họ luôn thường trực một tình cảm đặc biệt, thiêng liêng đối với rừng. Họ sống nhờ ân sủng của rừng và hành xử với rừng bằng tâm thế, đạo đức hết sức hiền minh.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc