Nhớ thuở đầu về buôn làng
Do công việc, từ khoảng năm 1995 tôi có nhiều chuyến đi đến các buôn làng tìm hiểu văn hóa dân gian của người bản địa Tây Nguyên.
Việc thâm nhập vào một cộng đồng khác, thậm chí xa lạ thì những ngờ nghệch, khờ khạo buổi ban đầu hẳn là ai cũng mắc phải. Tôi cũng không ngoại lệ.
Bài học tiếng đầu tiên luôn là học... nói. Chưa biết thì phát liên hồi, gặp bầu hỏi trái gì đây, thấy chuối hỏi ăn như thế nào, đụng bò, gà, heo… đều vặn vẹo không bỏ sót. Thế mà rồi khi có được chút lưng vốn “chữ nghĩa” của làng lại đâm ra lười, ngại nói, đúng hơn là chỉ nói khi thật cần.
Ăn mặc cũng là chuyện đáng nhớ. Mấy chuyến đầu tiên, nghĩ mình cán bộ trên tỉnh xuống, phải ăn mặc đàng hoàng để đồng bào chẳng những thấy mình cũng… đàng hoàng mà còn thấy người nhà nước chuẩn chỉ như thế nào. Thành ra, đồ đi làm nơi công sở thế nào thì áo quần xuống buôn làng y như vậy. Đầu đội mũ, tay xách cặp, trên túi găm vài ba cây bút, dưới chân dận đôi giày đen, người đi tìm hiểu văn hóa thành kẻ lạc lõng giữa cộng đồng.
Dân làng vốn chưa hề no đủ, có thể nể cái vỏ ngoài của ông cán bộ là tôi khi ấy nên bà con chỉ đứng từ xa mà nhìn. Với cái bộ dạng ấy, leo lên nhà sàn đã khó, giày để dưới chân thang bị chó tha, heo ủi đi đâu mất cũng là chuyện dở cười dở khóc không chỉ một lần.
Ở buôn làng có những chuyện tưởng đơn giản nhưng người đến đó cần phải biết. Nó khác với việc uống rượu nhanh say thì cứ nằm vật ra ngủ, không ai trách, có khi còn được tiếng thật lòng. Nhưng làm thế nào để biết được chuyện ấy và ứng xử ra sao lại là cả một vấn đề.
Những nếp nhà dài ở buôn buôn AKô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Huyền |
Không được đi theo những người có kinh nghiệm, tôi đã phải lần mò trên con đường ấy và không ít lần phải trả “học phí”. Trước kia, không có điện thoại, đường sá, phương tiện đi lại khó khăn nên hẹn hò là điều xa xỉ. Cứ đi, đến buôn rồi tính, tức là tùy cơ ứng biến.
Ban đầu, do không nắm được tập quán làm lụng của bà con, rất nhiều ngày tôi đã phải nằm võng một mình giữa buôn vắng, không một bóng người. Hóa ra, dân làng dậy sớm, nấu ăn rồi lên rẫy, tối mịt mới trở về nhà. Muốn tiếp cận đối tượng của mình, chỉ có hai cách: đi làm cùng họ hoặc chờ đến tối, khi bà con trở về.
Mấy chuyện nhỏ lẻ ở buôn làng mà tôi vừa kể, hẳn có thể đã trở nên hài hước với nhiều bạn trẻ đã và đang theo đuổi công việc tìm hiểu văn hóa dân gian này. Ngày nay, nhiều người đã có thể phỏng vấn nghệ nhân qua video; việc hẹn hò rồi gặp gỡ cũng đã trở nên dễ dàng hơn nhờ điện thoại.
Đường sá thuận tiện, phương tiện giao thông đầy đủ, khoảng cách địa lý và những rào cản khác - đặc biệt là ngôn ngữ, vì giờ ai cũng đã dùng tốt tiếng phổ thông - giữa buôn làng và người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian đã được thu hẹp một cách tối đa.
Đáng tiếc chăng là môi trường sống ở các buôn làng cổ truyền đã và đang bị biến đổi dữ dội. Lớp người nắm giữ các tinh hoa văn hóa dân tộc cũng theo đó mà thưa vắng dần. Thành ra, sẽ không hề mâu thuẫn khi nói rằng, trong cuộc sống hôm nay, công cuộc tìm tòi, chắt lọc những giá trị cốt lõi của văn hóa Tây Nguyên vẫn chưa hề mất đi tính thời sự và sự cần thiết của nó.
Nguyễn Quang Tuệ
Ý kiến bạn đọc