Multimedia Đọc Báo in

Tràn lan các video review phim vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ

09:37, 24/10/2021

Chỉ cần dành ra vài phút để xem một đoạn video ngắn là khán giả đã có thể vừa nắm được toàn bộ nội dung, vừa thưởng thức được những phân cảnh đặc sắc nhất của một bộ phim điện ảnh đình đám.

Đây là hình thức giải trí mới được đăng tải phổ biến trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok… và được nhiều khán giả yêu thích.

“Review phim” là nêu lên cảm nhận, đánh giá chủ quan về bộ phim đã xem. Đây là hành vi bình thường trong cuộc sống và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, hiện nay bản chất của các video review phim ở Việt Nam lại “biến tướng” trở thành tóm tắt nội dung phim, kèm theo các cảnh được cắt ra từ bộ phim.

Trong các video review phim, những người sáng tạo nội dung thường thuật lại chính bộ phim hay còn gọi là tóm tắt lại toàn bộ nội dung để người xem dễ dàng nắm bắt. Đồng thời, lồng ghép vào một số đánh giá mang tính chủ quan của người đó, đôi lúc là ý kiến khen, chê, chỉ trích về cốt truyện, nội dung, hiệu ứng hình ảnh... của bộ phim. Không những vậy, có nhiều video lại làm sai lệch nội dung phim, ảnh hưởng đến thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền đạt.

Có thể nói, dù ít hay nhiều, các video review phim đều tác động đến doanh thu của bộ phim. Bởi lẽ, nếu video có ý kiến chê bai, được khuyên không đáng xem thì sẽ để lại ấn tượng không tốt trong lòng khán giả và có thể vì đó mà khán giả sẽ không lựa chọn xem bộ phim đó nữa.

Ngược lại, dù video có khen hết lời, đánh giá rất tốt về bộ phim đi nữa thì cũng sẽ làm giảm lượng khán giả, vì khi đó, người xem đã biết trước được toàn bộ nội dung và diễn biến của bộ phim.

Nhiều khả năng người xem sẽ nghĩ rằng: “Mình đã biết được tất cả nội dung phim rồi, cần gì phải tốn thời gian, tiền bạc để xem nữa”. Thế nên, dù có được đánh giá như thế nào, nội dung truyền đạt lại có chuẩn xác hay không thì đều ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phim.

Video tóm tắt phim sử dụng hình ảnh chưa xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu. Ảnh: Zing

Xét trên quy định pháp luật, việc các video review phim hiện nay có cả những cảnh được cắt từ bộ phim mà không có sự cho phép của những chủ thể đang được pháp luật công nhận các quyền hợp pháp đối với bộ phim đó là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Theo khoản 7, khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả có hành vi:

- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

Như vậy, ngoại trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, nhà sáng tạo nội dung của các video review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu nhà sản xuất phim chứng minh được thiệt hại thực tế về doanh thu do video review phim gây ra đối với bộ phim của họ thì những người tạo ra video review về bộ phim đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.