Multimedia Đọc Báo in

Người mê tiếng gió đại ngàn

12:13, 14/11/2021

Vốn là người dân tộc Tày nhưng anh Trần Thanh Giang (ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng) thường được cho là người Mông vì tiếng tăm chế tác sáo Mông, sáo ngang.

Quê gốc của anh Giang ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; anh theo bố mẹ vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 1990. Ngày còn nhỏ, mỗi lần ngồi bên bếp nấu cơm, Giang cứ thấy ống nứa, ống trúc là lấy dùi hơ đỏ làm sáo, nhưng thổi không kêu. Một lần đi rẫy, anh gặp một người Mông thổi sáo rồi đâm ra say mê, lân la hỏi chuyện và học thổi sáo Mông. Đến khi biết thổi, anh lại mày mò làm sao cho sáo kêu thành "tiếng rừng, tiếng suối".

Âm sắc của sáo Mông trong trẻo, mượt mà, tuy nhiên còn có cả âm rè. Nếu người thổi không tạo ra được âm sắc cổ truyền của người Mông thì đồng bào Mông không công nhận đó là tiếng sáo Mông vì nó không diễn tả được tiếng lòng của họ. Ham học hỏi từ nhiều anh em cùng đam mê, sau những giờ lên rẫy chăm sóc cà phê, hồ tiêu, anh Giang lại cặm cụi làm sáo. Để thuận tiện nghiên cứu về sáo Mông, anh tự học nhạc lý. Được nghệ nhân người Mông giúp đỡ, năm 2013 anh đã làm nên cây sáo Mông 9 lỗ. Năm 2016, anh bán được những cây sáo Mông đầu tiên.

Anh bảo: "Người Mông công nhận sản phẩm sáo Mông do mình chế tác có nghĩa là họ đã cấp "chứng chỉ" cho rồi". Một cây sáo ngang anh làm mất vài giờ song sáo Mông thì phải làm trong nhiều ngày bởi nó phức tạp và kỳ công hơn, từ khâu chọn trúc (phải là loại trúc óng vàng được gửi từ vùng đất Ngân Sơn, Bắc Kạn cho âm khỏe, rền) đến cắt lá đồng, mài thành lam, uốn cong lưỡi gà... Người làm sáo đều biết cả tông nào phù hợp, trúc đường kính bao nhiêu, dài bao nhiêu, dày mỏng cho ra âm thanh như thế nào. Sáo Mông khó nhất là ống đó khoét chuẩn rồi mài lam và ngược lại.

Anh Trần Thanh Giang và những cây sáo Mông do mình chế tác.

Trên thị trường có rất nhiều loại sáo Mông làm bằng máy, lưỡi gà dập sẵn nhưng nhiều người mê sáo Mông rải rác từ Tây Bắc đến Đông Nam Bộ vẫn tìm đến anh Giang đặt hàng. Họ mách nhau: Ở Tây Nguyên có một người làm sáo Mông tâm huyết và sáng tạo, miệt mài cắt lam đồng thủ công. Không dừng lại ở việc làm ra những cây sáo Mông 8 lỗ, 9 lỗ, anh Giang còn chế tác thành công cây sáo Mông 10 lỗ, thổi được nhiều nốt nhạc hơn. Có cây sáo giá vài trăm nghìn đồng, có cây giá hơn một triệu đồng, anh Giang không nhận làm ồ ạt. Và khi nhận làm sáo cho khách, anh tìm hiểu rất kỹ, từ đó tùy từng người vừa tập thổi sáo hoặc nghệ sĩ, người biết thổi lâu năm mà làm cho khách hàng những cây sáo phù hợp nhất. Anh bảo, gắn bó với lam đồng thủ công là để tự nâng cao tay nghề. Sáo Mông mua trên thị trường về thổi lâu chủ yếu hỏng lam, anh cũng nhiệt tình sửa lam đồng cho khách. Thời gian chưa có dịch bệnh COVID-19, anh Giang thường xuyên đi giao lưu với các anh em trong câu lạc bộ sáo Tây Nguyên, chia sẻ kinh nghiệm làm sáo với những người mê sáo. Nhiều trường học cũng đặt anh Giang làm sáo để học sinh học thổi trong giờ ngoại khóa.

Ở xã Ea Tam, căn nhà nhỏ của anh Trần Thanh Giang không khi nào vắng tiếng sáo. Không giữ những kinh nghiệm về loại nhạc cụ mang theo tiếng gió đại ngàn ấy cho riêng mình, anh Giang sẵn sàng truyền thụ kiến thức sáo Mông cho tất cả những ai muốn học và tìm hiểu văn hóa dân tộc. Từ học sinh tiểu học, đến cả những người lớn tuổi, chỉ cần thích học và muốn học thổi sáo là anh chỉ bảo miễn phí, thậm chí, anh còn dạy thổi sáo online. Nhờ anh chỉ dạy, đã có nhiều em thi đỗ trường chuyên nghiệp về sáo. Chị Bế Thị Ngọc Nhung, quê ở tỉnh Cao Bằng thích thú khi có trong tay cây sáo do anh Giang làm chia sẻ: "Clip dạy tự học sáo trên mạng có rất nhiều nhưng không dễ học theo. Có anh Giang tận tình hướng dẫn, tôi đã cơ bản sử dụng được sáo. Sau những giờ làm việc căng thẳng, có cây sáo thổi du dương cảm thấy yêu đời. Những âm thanh của núi rừng thật kỳ diệu trong ống trúc tưởng chừng đơn giản này lại có sức lôi cuốn đến vậy”.

Hoàng Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.