Văn hóa nào có đâu xa…
Trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc một ngày, vào ngày 23/11, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức gõ búa thông qua Nghị quyết sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của hai thi sĩ Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.
Thật đáng tự hào bởi đợt này có tổng cộng 60 hồ sơ trên thế giới đã được thông qua, mà Việt Nam có đến hai danh nhân.
Sở dĩ người viết nhắc đến hai danh nhân trên bởi họ là kết tinh của văn hóa Việt, con người Việt, được thế giới ghi nhận. Bởi theo các tiêu chí do UNESCO đề ra, hồ sơ phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.
Trước đây, UNESCO đã từng vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm Ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019).
Đến đây, chúng ta mới thấy rằng nội hàm của hai chữ “văn hóa” quá rộng, nhưng lại rất dung dị. Đó là, xây dựng, phát triển văn hóa cần lấy con người làm trung tâm. Văn hóa của một quốc gia cần lắm sự gắn bó với các lý tưởng chung của nhân loại, cần được sự chiếu rọi của văn minh. Trở lại với các tiêu chí của UNESCO khi tôn vinh các danh nhân Việt Nam, trên cả là phải mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức, và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam. Chúng ta đã từng có rất nhiều nhà văn hóa được thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh.
Ngã sáu (TP. Buôn Ma Thuột) trong ngày hội lớn. (Ảnh minh họa) |
Còn nhớ, một lần đến Pháp, tôi đến quán cà phê Le Procope, có từ năm 1686, được coi là quán cà phê đầu tiên ở Paris. Quán nằm ở số 13 phố Ancienne-Comédie, thuộc quận 6, trên một con phố cổ kính, nơi mà có câu ngạn ngữ: “Chưa đến Le Procope chưa đến Paris”!
Năm 1686, một người Ý gốc Palermo tên là Procope đã có ý tưởng mở quán cà phê, nơi khi đó chỉ toàn quán rượu. Ba năm sau, Nhà hát kịch Pháp được mở trên cùng con phố này đã giúp quán cà phê thu hút thêm khách. Và rồi, cả khu phố bừng lên nhờ Le Procope bởi những nhân vật thường “ngồi đồng” ở đây hầu hết là các chính trị gia, nghệ thuật gia, triết gia lừng lẫy như La Fontaine, Voltaire, Rousseau, Diderot, Beaumarchais, Balzac, Hugo, Verlaine... Vào thế kỷ 18, những ý tưởng tự do cũng đã khởi phát từ đây. Người ta tin rằng, chính tại nơi này, Diderot đã soạn cuốn Từ điển bách khoa toàn thư và Benjamin Franklin đã viết nên Hiến pháp Hoa Kỳ. Đây cũng là nơi hội họp của các chính khách thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp như Robespierre, Danton và Marat. Người Paris còn khẳng định cuộc tấn công vào cung điện Tuileries đêm 10/8/1792, được phát lệnh từ chính Le Procope.
Chỉ một quán cà phê và một ông chủ thôi đã kiến tạo quá nhiều nét văn hóa cho Paris cùng cả nước Pháp. Thế mới thấy, câu chuyện văn hóa không phải ở một chỗ nào đó xa xôi, cao sang.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, vấn đề chấn hưng, phát triển văn hóa Việt, con người Việt trong bối cảnh mới được coi là cấp bách. Rất nhiều tham luận, phát biểu đã khiến dư luận quan tâm về mức độ tâm huyết, nghiêm túc. Văn hóa, đúng như quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ khi nhắc đến câu nói của một vị tiền bối: "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc