Về Điện Bàn, thăm lăng mộ Phạm Phú Thứ
Phạm Phú Thứ sinh ngày 24 tháng Chạp năm Canh Thìn (tức ngày 27/1/1821) tại xã Đông Bàn, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Lúc nhỏ, ông có tên là Phạm Hào (hàm ý là hào kiệt), khi đi học ông lấy tên là Thứ (rộng lượng), đến khi ông đỗ đại khoa được vua đổi tên là Thứ. Ông lấy hiệu là Trúc Đường (nhà tre), biệt hiệu là Giá Viên (vườn mía)...
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, vốn có tiếng thông minh, học giỏi, Phạm Phú Thứ đỗ Giải nguyên năm 1842 khi mới 22 tuổi, thi Hội đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Mão (1843). Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Lạng Giang, thăng dần lên Tổng đốc Hải An, rồi Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên). Sau đó về kinh, ông được sung chức Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh. Năm 1849, ông được chuyển sang Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú rồi sang tòa Kinh diên. Vốn là người cương trực, năm 1850 ông đã dâng sớ can gián vua Tự Đức không nên xao lãng việc nước. Do việc này mà ông bị cách chức, đưa đi làm lính trạm ở Thừa Nông (Thừa Thiên - Huế), một thời gian sau mới được phục chức trở lại làm Tham tri bộ Hình.
Chân dung Phạm Phú Thứ lúc đi sứ sang Pháp. |
Năm 1863, Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm chức Tham tri bộ Lại, hàm Tòng Nhị phẩm. Cùng năm đó, ông được cử làm phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ bị Pháp chiếm năm 1862. Trong thời gian ở Pháp ông còn đi thăm các nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Qua chuyến đi này, ông rút ra được nhận thức rằng, chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi sự lạc hậu. Khi về nước ông có dâng lên vua Tự Đức và triều đình một số tài liệu ghi chép trong chuyến công tác vừa qua, kiến nghị triều đình thay đổi chính sách mới có thể tự cường tồn tại được. Tuy nhiên, hầu hết những đề nghị của ông đều bị vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ bác bỏ.
Năm 1865 ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ. Năm 1874, ông được vua Tự Đức cử làm Tổng đốc Hải Yên (tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh địa thần, lo việc khai thương cảng Hải Phòng. Năm 1881, ông về trí sĩ tại quê nhà và biên soạn bộ Giá Viên thi tập gồm 26 quyển. Bên cạnh đó, trên cơ sở những kỹ thuật mà ông học hỏi được trong thời gian tham gia phái bộ, ông đã đưa vào ứng dụng một số cải tiến tại địa phương. Ông mất năm 1882 do tuổi cao sức yếu. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ.
Hiện nay, lăng mộ Phạm Phú Thứ được chính quyền địa phương, con cháu dòng tộc Phạm Phú tôn tạo tại quê nhà làng Đông Bàn, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khu lăng mộ có diện tích khoảng 750 m2, bao gồm hai khu vực liền kề nhau là khu mộ Phạm Phú Thứ và Trúc Đường hoa viên với nhiều hạng mục như tường rào, cổng ngõ, nhà bia, mộ phần, bia tiểu sử và hoa viên...
Khu mộ có diện tích khoảng 350 m2, được xây dựng khá kiên cố, bề thế. Phía sau mộ phần Phạm Phú Thứ là bức tường lớn khắc những dòng thông tin về Phạm Phú Thứ, gồm tiểu sử, tác phẩm và hành trạng của cụ. Hai trụ biểu nhỏ của bức tường này có khắc hai câu đối bằng chữ Hán có phiên âm chữ Quốc ngữ trích trong điếu văn của vua Tự Đức khi Phạm Phú Thứ qua đời năm 1882: “Thị nam trung tối - Duy thiên hạ kỳ”, dịch nghĩa là: “Người ưu tú ở đất nam trung - Người kỳ tài trong thiên hạ”. Hai trụ bên trong gần bia đá cũng có hai câu thơ bằng chữ Hán phiên âm chữ Quốc ngữ trích trong bài thơ Phạm Phú Thứ viết khi đi sứ sang Pháp năm 1863: “Tảo giao đông thổ kiêm trường kỷ/Pha-lý, Long-đơn vị túc hiền”, dịch nghĩa là “Nếu Á đông ta sớm có nền khoa học kỹ thuật/Thì Pa-ri, Luân Đôn chắc gì đã hơn ta”...
Kế bên khu lăng mộ Phạm Phú Thứ là khu Trúc Đường hoa viên - nơi chính quyền địa phương và cháu chắt tộc Phạm Phú xây dựng trong đợt trùng tu năm 2007. Tại đây có đặt một tấm bia đá, mặt trước chạm khắc hình ảnh chân dung cụ Phạm Phú Thứ, phía bên dưới chân dung là lời hay ý đẹp trích trong bộ Giá viên thi văn tập của cụ. Mặt sau của tấm bia là 8 câu thơ trích từ bài thơ cảm đề “Đốt nén hương lòng nhớ cụ Phạm Phú Thứ” của nữ sĩ Mai Hương nhân Hội thảo Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân được tổ chức vào năm 1994 tại TP. Hồ Chí Minh. Tám câu thơ đó là: “Bốn mươi năm, cách chức bốn lần/Chỉ vì yêu nước, với thương dân/Qua Tây đã thấy nền cơ khí/Về nước mong bàn chuyện canh tân/Làm lính, làm quan không nản chí/Trọng tài, mến đức có từ tâm...”.
An Trường
Ý kiến bạn đọc