Khát vọng Đam San
Từ tình yêu nồng nàn, mê đắm với Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã hoàn thiện và sắp sửa cho ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vở ca kịch “Khát vọng Đam San” sau gần 40 năm gắn bó với mảnh đất này.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự: “Khát vọng Đam San” được xây dựng, khắc họa từ Trường ca Đam San nổi tiếng của người Êđê. Hình tượng Đam San thể hiện khát vọng xây dựng, bảo vệ cộng đồng trước mọi thế lực siêu nhiên đe dọa. Chàng đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời và đem lại ánh sáng/sự sống cho buôn làng, bộ tộc hùng mạnh của mình. Vở ca kịch là khúc giao hòa tuyệt đẹp giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ, bao dung và cũng đầy bí ẩn.
“Khát vọng Đam San” gồm 5 chương (Đam San và H’Nhi; Xử tội Mtao Mxây; Buôn sang trông cậy; Nơi miền sáng; Mặt trời lên trên Cao nguyên bao la) do nhạc sĩ Nguyễn Cường làm Tổng đạo diễn cùng các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk thể hiện.
Theo nghệ sĩ Y Kô Niê - Phó Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk (người đóng vai già làng trong vở ca kịch này) thì tổng thể kết cấu của tác phẩm rất bao quát, khoa học và có chủ đích rõ ràng nhằm thể hiện khát vọng trên. Trong đó các phân cảnh, chuyển cảnh của vở ca kịch cũng hết sức linh hoạt, mạch lạc dựa trên trục thời gian và những “lát cắt” không gian đậm chất sử thi anh hùng như Đam San. Qua đó dẫn dắt người xem hiểu thêm lịch sử - văn hóa của cộng đồng, xã hội Tây Nguyên đi qua từ “bóng tối”, bước ra “ánh sáng” rồi hòa nhập với đời sống văn minh đương đại.
Các nghệ sĩ và diễn viên với poster "Khát vọng Đam San". Ảnh: Hữu Hùng |
Đương nhiên, đã gọi là ca kịch thì bao hàm động tác hát múa, đối thoại dựa trên nền dân ca, dân vũ và vốn âm nhạc truyền thống của người Êđê. Theo nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, để chuyển tải nội dung khá đồ sộ của tác phẩm này đến với công chúng bằng chất liệu nghệ thuật đặc thù ấy quả là một thách thức đặt ra cho êkip thực hiện.
Y Phôn cho biết, đã gần 3 tháng nay, tác giả Nguyễn Cường như “con thoi” đi lại, gặp gỡ và chia sẻ với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trên địa bàn Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên để tiếp tục hoàn thiện vở ca kịch này. Có thể nói “Khát vọng Đam San” được xây dựng khá hoành tráng, công phu trên nhiều mặt: biên kịch, biên đạo múa, sân khấu, âm nhạc và khí nhạc… nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tinh tế và đầy nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên tham gia trình diễn.
Ngày 14/4/2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Ca kịch “Khát vọng Đam San” tại Quyết định số 843 và giao Sở VH-TT-DL phối hợp Công ty TNHH Sông Thương Garden - đơn vị sản xuất chương trình và tổ chức công diễn phục vụ công chúng. Dự kiến vở ca kịch này được tổng duyệt vào tối 15/12 tới tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và sẽ được công diễn vào năm 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. (Nguồn: Sở VH-TT-DL). |
Tác giả vở ca kịch chia sẻ, để kể lại một câu chuyện lịch sử - văn hóa gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần nhân văn cao đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên (xuyên suốt từ quá khứ mờ xa, huyền hoặc đến hiện tại) bằng chất liệu nghệ thuật đặc trưng bản xứ là điều cực kỳ khó khăn.
Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr tiết lộ: Ngoài âm nhạc và vũ điệu ra, điều khiến Nguyễn Cường bận tâm nhất là ngôn ngữ đối thoại, cũng như hát vần trong 5 chương xuyên suốt của tác phẩm. Làm sao để ngôn ngữ trong vở diễn này phải bóng bẩy, hình tượng như sử thi Đam San vốn có là yêu cầu và cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm. Tác giả vở ca kịch “Khát vọng Đam San” cũng hết sức lưu tâm về điều đó và đã cùng người viết lời kịch bản - nghệ sĩ Hồng Hoa tiêu tốn nhiều tâm sức nhằm đáp ứng (ở mức có thể và cao nhất) cho yếu tố nghệ thuật đặc trưng và giàu bản sắc ấy.
Nguyễn Cường chia sẻ rằng, ông đã từng thành công với một số hợp xướng về đồng bằng Bắc Bộ qua sáng tác “Một nét ca trù ngày xuân”, “Mái đình làng biển”… hay dài hơi và hàn lâm hơn là “Đà Giang đại hợp xướng”, “Xương Giang đại thắng - Non nước thái hòa”, “Ký ức Hội An”. Song, khi nói về sự kỳ công cũng như những thách thức đặt ra trong sự nghiệp sáng tác của mình thì những tác phẩm kia không làm Nguyễn Cường mất ngủ như “Khát vọng Đam San”.
Vở ca kịch “Khát vọng Đam San” là kết tinh nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Cường sau những năm tháng miệt mài đi thực tế và sáng tác về vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Nói như ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, khát vọng ấy chính là khát vọng về tinh thần đại đoàn kết, tinh thần vì cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk cùng nhau nỗ lực vươn lên vững vàng cùng cả nước vì cuộc sống hạnh phúc và ấm no hơn.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc