Multimedia Đọc Báo in

Theo dấu chân Đam San

09:10, 29/12/2021

Từ huyền thoại chất chứa niềm tin về cuộc sống tươi đẹp, về cái ác cuối cùng sẽ bị tiêu diệt, chàng dũng sĩ Đam San với nhiều chiến công hiển hách đã để lại những dấu chân mình trên núi đồi, thảo nguyên mênh mông Cư M’gar ngày nay.

Những năm 20 của thế kỷ trước, viên Công sứ người Pháp Sabatiêr đã đến đây. Thay vì trông coi công việc hành chính, ông đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ ảo của những con người mới gặp lần đầu, để rồi sau đó ông bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu. Và ông đã tìm thấy trường ca Đam San, một phát hiện chấn động giới nghiên cứu thời bấy giờ.

Ngày ấy, người dẫn chúng tôi về Cư M’gar - miền đất được xem quê hương của Đam San thời thơ ấu là chị H’Hoa công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Chị H’Hoa nói rằng, trường ca Đam San chỉ được lưu giữ trong trí nhớ dân gian và được thể hiện dưới dạng khan, tức hát kể sử thi. Tuy vậy, nhiều chi tiết trong trường ca Đam San lại rất cụ thể và có thể tìm thấy ở nhiều nơi. H’Hoa dẫn chúng tôi xuống bến nước ở Ea Tul. Hóa ra đây chính là nơi Đam San hò hẹn người yêu.

Nữ nhạc sĩ nổi tiếng Linh Nga Niê Kdăm - người con của núi rừng Cư M’gar dẫn chúng tôi đến thăm mộ người cha thân yêu Y Ngông Niê Kdăm. Nhà giáo, bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm là một trong những trí thức tiêu biểu của người Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Thời trai trẻ bắt đầu giác ngộ cách mạng cho đến giây phút cuối đời, ông chỉ một lòng phụng sự lý tưởng cao đẹp của mình là chiến đấu vì Tổ quốc và xây dựng quê hương Tây Nguyên giàu đẹp. Trái tim và nhân cách lớn ấy đã nằm lại nơi đây như lời Đam San từng nói: “Tôi là chiếc lá đa, tôi quyến luyến với cây đa”.

 Nhân vật Dam Săn trong vở ca kịch
Dũng sĩ Đam San trong vở ca kịch Khát vọng Dam Săn vừa được công diễn vào trung tuần tuần tháng 12/2021. Ảnh: Hữu Nguyên

Một trong số các nghệ nhân chúng tôi tìm gặp là Y Blá Mlô. Dòng họ Mlô và Niê Kdăm là hai dòng họ lớn và có thế lực nhất trong cộng đồng Êđê trước đây. Y Blá Mlô biết làm rất nhiều nhạc cụ dân tộc, hầu hết sử dụng nguyên liệu từ tre, trúc. Khi Y Blá thổi sáo và hát khan, chúng tôi có cảm giác như Đam San bằng xương bằng thịt đang ở đâu đó giữa núi rừng. Chàng vươn vai về phía tây, ngoảnh mặt về phía đông, vẻ đẹp hình thể và những lời có cánh không thua kém bất kỳ những hình ảnh tráng lệ nào có trong sử thi Hy Lạp: “Chàng chạy vun vút qua phía đông, chạy vun vút về phía tây. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, đồi tranh ba lần bật rễ, chàng hướng về phía mặt trời, đôi mắt long lanh như chim ghếch ăn hoa tre”.

Y Thim được xem là nghệ nhân kể khan trẻ tuổi ở xã Ea Tul. Anh học kể khan bởi vì lo rằng vài ba mươi năm nữa không ai còn nhớ đến trường ca Đam San. Và theo anh, một người Êđê không biết đến Đam San thì đó không phải là người Êđê. Những khi rảnh rỗi, anh vẫn thường hát cho bà con trong buôn nghe.

Vùng đất đỏ bazan, quê hương của chàng Đam San rất thích hợp với các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, bông vải. Giã từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với phương thức canh tác chủ đạo là phát, đốt, chọc, trỉa, những người Êđê thế hệ đương đại đã phác họa nên chân dung miền đất trù phú. Nhiều gia đình ở đây giàu lên nhờ cây cà phê. Những hình ảnh bắt gặp được đã khiến chúng tôi liên tưởng, rằng thấp thoáng đâu đây miền đất mà Đam San từng mơ ước và chiến đấu để thực hiện mơ ước. Miền đất có buôn làng với những ngôi nhà sàn dài như một tiếng chiêng, trâu, bò nhiều vô kể, chiêng ché để đầy nhà. Đi từ đầu buôn đến cuối buôn không đếm hết cầu thang, không nhớ nổi mặt người, buôn làng giàu có và bình yên.

Một Đam San hào hoa và lãng mạn với tình yêu nữ thần Mặt trời, một Đam San dũng mãnh trước kẻ thù để bảo vệ buôn làng. Nữ nhạc sĩ Linh Nga nói với chúng tôi rằng hai mặt trong tính cách Đam San cũng là nét căn bản trong tính cách của người Êđê. Như khi nói về người cha thân yêu, nhạc sĩ Linh Nga cho hay, cuộc đời ông là tình yêu lớn dành cho Tây Nguyên. Không chỉ Đam San và không chỉ người Êđê nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một Tây Nguyên giàu đẹp. Theo dấu chân Đam San, nhiều dân tộc anh em trên mảnh đất này đang chung sức, chung lòng vì mục tiêu cao đẹp ấy.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.