Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Báo Đắk Lắk (15/1/1976 - 15/1/2022)

Kỷ niệm khó quên trong chuyến tác nghiệp đầu đời

09:39, 15/01/2022

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng kỷ niệm trong lần đi tác nghiệp đến với vùng xa xã Ea R’bin và Nam Ka (huyện Lắk) vẫn in sâu trong ký ức tôi. Đó là chuyến đi ghi lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong những ngày đầu “chập chững” bước vào nghề báo.

Còn nhớ, chuyến tác nghiệp vào cuối tháng 9/2021 đó, tôi ở lại ba ngày hai đêm để lấy tư liệu cho bài “Gian nan hành trình gieo chữ vùng sâu”. Sáng sớm, vượt 60 km đến thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), tôi được thầy giáo Phan Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin) dẫn men theo Quốc lộ 27, vòng qua không biết bao nhiêu quả đồi để tới được các điểm trường.

Những đứa trẻ làng Mông (xã Ea Rbin, huyện Lắk). Ảnh: K. Huyền
Những đứa trẻ làng Mông (xã Ea R'bin, huyện Lắk).

Ba ngày được tá túc trong nhà công vụ cùng các cô giáo, tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả khó khăn của giáo viên, học trò nơi đây. Cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, đêm ngủ muỗi vo ve bên tai, sáng sớm người đầy những vết đỏ do muỗi đốt, cùng các cô ăn bữa cơm đạm bạc với rau rừng, măng tươi, cá khô... Cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh những cô cậu học trò với áo trắng ngả màu đục, tay ôm sách vở, mang đôi dép tổ ong với nhiều vết đứt lội ruộng để đến trường học. Nhưng có lẽ vì sự ham học, chăm chỉ của học trò nơi đây đã thôi thúc lòng yêu nghề để các thầy cô bám trụ lại “gieo chữ” cho học sinh vùng xa này.

Trong lần tác nghiệp này, tôi vẫn còn nhớ như in ngày đi vào buôn Lách Ló (xã Nam Ka) - một điểm trường đặc biệt nằm sâu trong rừng, không sóng điện thoại, thiếu nước sinh hoạt. Trước lúc đi, cô giáo Hồng (dạy tại Trường THCS Trần Quốc Toản) liên tục can ngăn bởi trước đó cô đã từng một lần vào vận động học sinh tới trường, mặc dù thời điểm ấy là mùa khô nhưng vẫn nơm nớp lo sợ vì con đường gập ghềnh khó đi, một cái sẩy chân là rơi xuống vực.
Hơn nữa, lúc bấy giờ đang vào mùa mưa, đã nhiều ngày qua, người dân bán hàng hóa trong buôn chưa thấy tăm hơi vì đường lầy lội không đi nổi. Thế nhưng, cái gì càng khó tôi lại càng muốn chinh phục. Được anh Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin nhờ hai cán bộ kiểm lâm dẫn đi, tôi háo hức lên đường.

Cuộc sống tạm bợ của một gia đình tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk). Ảnh: K. Huyền
Cuộc sống tạm bợ của một gia đình tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk). 

Khoảng 13 giờ chiều, tranh thủ lúc còn nắng, tôi bỏ nước uống, máy ảnh vào ba lô và cùng hai anh từ trung tâm xã Ea R’bin bắt đầu hành trình. Men theo đường bê tông nhỏ, chúng tôi đến bìa rừng, con đường trước mắt với chằng chịt dấu bánh xe in trên bùn đất lầy lội, lại xa hun hút không thể nhìn thấy điểm cuối làm tôi choáng ngợp như muốn chùn bước.
Tôi "đứng hình" một lúc để lấy lại tâm thế tiếp tục chặng đường, càng đi đôi chân càng mỏi, thở hổn hển vì thấm mệt. Thế nhưng nhìn bước chân thoăn thoắt của các anh kiểm lâm quen với việc băng rừng, lội suối đã thôi thúc tôi rảo bước theo sau.
Càng vào sâu, tiếng chim chóc, suối chảy róc rách văng vẳng bên tai càng rõ, có lúc tôi hoảng sợ vì tiếng vọng của rừng sâu. Thế nhưng, nhờ có hai anh kể chuyện trêu đùa, quãng đường dài 7 km như ngắn lại, hơn một giờ đồng hồ “cuốc bộ” băng rừng, chúng tôi cũng tìm đến điểm trường Tiểu học Nơ Trang Lơng trong niềm vui mừng. Tranh thủ lúc mưa chưa xuống, tôi có 30 phút “quý báu” để vừa chụp ảnh điểm trường, vừa đi tìm hiểu cuộc sống của bà con trong buôn.
Buôn làng nằm lọt thỏm giữa rừng chỉ có 54 hộ sống thưa thớt trên đất lâm nghiệp, với cuộc sống tự cung tự cấp, việc làm hằng ngày của họ là vào rừng kiếm măng, trồng sắn... để đổi gạo ăn. Cách biệt với bên ngoài, nơi đây còn nhiều hủ tục lạc hậu, hệ lụy hôn nhân cận huyết, những đứa trẻ bỏ học giữa chừng...

Đường vào buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk). Ảnh: K. Huyền
Đường vào buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk). 

Chia tay với buôn Lách Ló về trung tâm xã Ea R’bin, lúc này trời đã nhá nhem tối, lại sắp đổ mưa giông, tôi tiếp tục đến làng Mông cách đó chừng 5 km để tìm hiểu về hệ lụy tảo hôn. Nhờ cán bộ tại Trạm Y tế xã dẫn đường, tôi mới đến được làng Mông. Ngôi làng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng chìm trong bóng đêm im ắng, không có điện, từ xa chỉ thấy những đốm sáng nhỏ của ánh đèn dầu lay lắt.
Tìm đến căn chòi dựng tạm trên cánh đồng, hình ảnh cô bé 17 tuổi đang ầu ơ ru hai con ngủ bên bếp lửa, ngoài trời mưa như trút, sấm chớp liên hồi đã in sâu trong trí nhớ của tôi... Nhờ những điều tai nghe mắt thấy ấy mà tôi hoàn thành được bài viết “Tảo hôn - điệp khúc buồn tại làng Mông”.

Kết thúc chuyến tác nghiệp, điều tôi vui nhất không chỉ là hoàn thành tốt công việc của mình mà là tình người ấm áp của các thầy cô, người dân và chính quyền nơi đây. Tôi cảm động trước tấm lòng mến khách trong lần đầu gặp mặt vẫn nhiệt tình giúp đỡ của những con người đáng quý ấy, cùng nỗi vất vả, thiếu thốn mà người dân nơi đây đang phải trải qua. Điều đó đã khắc sâu trong tâm trí, để lại những kỷ niệm đặc biệt trong chuyến tác nghiệp đầu đời mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.