Multimedia Đọc Báo in

Gió vẫn thổi về từ phía Hoàng Sa…

13:02, 02/02/2022

Con tàu khách cao tốc tuyến Lý Sơn - Sa Kỳ hú một hồi còi dài rồi rời cảng. Biển hôm nay lặng, quãng đường này mấy chục năm trước phải đi mất cả ngày thì nay chỉ một giờ tàu.

Tốc độ kết nối giữa đảo và đất liền giờ được coi như một tiêu chí của phát triển. Khi biết tôi làm báo, người bạn ngồi cạnh trên chuyến tàu ấy đã dốc lòng với nhiều câu chuyện thú vị về Lý Sơn…

Chuyến tàu bão táp

Người kể chuyện với tôi là ông Ngô Văn Hào, quê ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). “Bây giờ đi lại sướng quá, mấy chục năm trước tui suýt chút nữa chết ngay chỗ này” - ông Hào đưa tay chỉ ra vùng khơi trước mặt, chỉ cách đất liền chừng 7 hải lý.

Khuôn mặt rám nắng gió can trường của bậc lão niên Lý Sơn dường như chùng xuống khi ký ức ùa về: “Tui còn nhớ đó là ngày mùng 3 tháng 3 dương lịch, vừa Tết âm lịch xong, đã qua rằm tháng Giêng. Chuyến đó tui đưa thằng con trai đang học Đại học Quy Nhơn vào lại Quảng Ngãi để bắt xe đò vô lại trường sau kỳ nghỉ Tết.

Thuyền chạy từ Lý Sơn vô Sa Kỳ hồi đó toàn máy hai mấy ngựa, chạy từ sáng thì đầu giờ chiều mới tới. Thuyền mới đi chừng nửa đường thì giông gió nổi lên, thuyền như chiếc lá tre dập dềnh trên sóng tiến lên không được lùi về không xong. Biển một lúc một động, trời tối sầm, mười phần chết chắc cả mười, trên thuyền có cả phụ nữ và trẻ con.

Nước biển táp quá mạn thuyền, tràn vô khoang, mấy anh bộ đội biên phòng động viên bà con nhưng ai mà bình tĩnh nổi khi đó. Tui vừa ôm chặt lấy con, vừa nhìn mà thương mấy chị phụ nữ ôm con dại đang kêu khóc. Nhiều chị có đeo vàng ở tay bắt đầu gỡ những chiếc nhẫn đó ra đeo cho chồng, vừa đeo vừa khóc, vì nghĩ chồng có sức vóc bơi lội, may ra giữ được chút của để dành này, còn mình chắc chết, đeo vàng cũng làm mồi cho cá.

Mưa gió vật vã xoay vần như vậy mà cũng không có cách nào nhờ tiếp cứu. Hồi đó làm chi có điện thoại hay bộ đàm trên tàu như bây giờ. Nhưng rồi nhờ trời, đến ba bốn giờ chiều thì mưa gió ngớt, thuyền không vô được cảng mà dạt xuống tận dưới miệt Bình Sơn, may mà vào tới bờ, coi như sống rồi”.

Cột cờ Tổ quốc trên núi Thới Lới.

Câu chuyện giữa ông Hào và tôi còn lan man thêm bao nhiêu thay đổi của Lý Sơn, và cũng bất ngờ khi tôi hỏi ông về người con trai, sinh viên Đại học Quy Nhơn trên chuyến tàu ấy nay thế nào. Hóa ra “thằng Trọng”, người con trai mà ông Hào nhắc đến trong câu chuyện nay là cán bộ đang đảm nhiệm một cương vị trọng yếu của tỉnh Quảng Ngãi. Không biết ký ức của những chuyến vượt sóng học hành như vậy có giúp những người con Lý Sơn khi phương trưởng góp phần vào việc “kết nối” Lý Sơn với đất liền tốt hơn, nhanh hơn hay không? Tôi nghĩ chắc là có! Và không phải dễ dàng gì mà từ một huyện đảo cách biệt giữa trùng khơi, giờ đây Lý Sơn đang thành một điểm đến đáng mong ước của nhiều du khách.

Nếu năm trước ra đảo Lớn, chúng tôi còn ngủ vạ vật trong một căn phòng trọ nóng bức sát cảng cá không điện đóm, thì bây giờ vừa bước chân lên đảo, ngay trước mắt là khách sạn Central Lý Sơn bề thế với thiết kế khá hiện đại. Xung quanh khu vực trung tâm cũng thêm nhiều khách sạn mới cao tầng. Nhìn những khách sạn mọc lên thay cho những căn nhà trọ lụp xụp, trên những con đường quanh đảo Lớn đã có những nhà hàng sang trọng và nhìn sang đảo Bé vẫn một nhịp chậm rãi, dường như nơi đây thời gian ngưng đọng từ thuở những đội hùng binh giong thuyền ra Hoàng Sa.

Một cuộc đời ngư phủ

Tôi vẫn nhớ như in hơn 10 năm trước, vào ngày 13/10/2010, một chiếc thuyền với 9 ngư dân Lý Sơn ra đánh bắt ở Hoàng Sa đã bị Trung Quốc bắt đưa vào đảo Trụ Cẩu giam giữ rồi sau đó chúng thu hết ICOM, máy định vị và ném họ ra biển để về nhà. Phía Trung Quốc thông báo là 9 ngư dân Lý Sơn được thả rời đảo từ ngày 11/10 và sau ba ngày vẫn bặt vô âm tín. Những người vợ của họ vẫn mòn mỏi ngồi trên cảng cá Lý Sơn vọng ra khơi.

Những bãi tắm nguyên sơ ở đảo Bé.

Đến hai tuần khắc khoải như thế của những vọng phu Lý Sơn, và có lúc gần như tuyệt vọng khi biết cơn bão Megi đang tiến vào vùng biển Hoàng Sa mà chồng con không một dòng tin tức. Và dù được thả từ ngày 11/10 nhưng phải nửa tháng sau, ngày 26/10/2010, 9 ngư dân Lý Sơn mới về được tới nhà.

Tôi nhớ cuộc điện thoại với các phóng viên Báo Tuổi trẻ trực đưa tin chuyến trở về ấy đã bắt đầu bằng một hình ảnh: “Từ xa, mọi người đã nhận ra nhóm ngư dân Lý Sơn của tàu QNg-66478 nhờ mái tóc bạc của ngư dân Nguyễn Đảng”. Ông Đảng là ngư dân cao tuổi nhất (SN 1945) và năm ấy, ở tuổi 65 ông vẫn theo bạn tàu ra Hoàng Sa. Tôi nhớ như in hình ảnh người ngư phủ tóc bạc trắng ôm chầm lấy vợ và đứa con gái nhỏ.

Câu chuyện về những ngày sinh tử ấy, có thể khiến nhiều người chùn lòng, nhưng với ngư phủ Lý Sơn thì không. Mái tóc bạc trắng của lão ngư Nguyễn Đảng đã ám ảnh trong tôi cho đến tận bây giờ! Bởi chỉ vài tuần sau chuyến vượt biển trở về đầy sinh tử ấy, vào ngày 22/12/2010 ông Đảng lại cùng một nhóm bạn tàu khác tiếp tục ra Hoàng Sa khai thác rau chân vịt. Và từ hôm đó, họ đã mãi mãi không về nữa. Người ngư phủ dạn dày và khó nhọc với mái tóc bạc ấy đã nằm lại đâu đó giữa Hoàng Sa, như bao đời nay, nhiều thế hệ ngư dân Lý Sơn đã nằm lại.

Trầm tích của đảo

Câu chuyện về một chàng trai ở đảo Bé đi lặn biển bị tai biến, liệt nửa người rồi anh đã huấn luyện những chú chó để kéo xe giúp mình đi lại đã được truyền thông nhắc đến nhiều. Tôi đã ở chơi với Bùi Văn Huệ suốt một ngày chỉ để tìm thấy trong anh một “tâm cảm Lý Sơn”. Thương tật, hậu quả của những đời thợ lặn ở Lý Sơn không phải là hiếm, nhưng với chàng trai trên đảo Bé, anh không dán chặt mình vào chiếc giường. Với chiếc xe lăn cũ kỹ, anh độ lại để cho hai chú chó cưng No và Pho có thể thành bạn đường đưa anh đi khắp đảo. Đôi chân bị liệt, đôi tay còn làm việc được, Huệ đan lưới, làm lồng chim, lặn hái rong ở vũng biển trước nhà. Và cho dù có buồn, anh vẫn luôn cười, nụ cười vừa như thấu hiểu được thân phận nhưng cũng tin rằng mình đã vượt lên số phận.

Đình làng An Vĩnh.

Ở Lý Sơn, những thợ lặn bị tai nạn làm liệt người như Huệ không hiếm. Cạnh nhà Huệ là nhà ông Năm Hoàng, một ông cụ râu tóc đẹp như tiên. Buổi chiều, khi Huệ ngồi trên chiếc xe lăn với hai chú chó No và Pho đang kéo, khi qua đoạn dốc, ông Năm Hoàng ghé tay đẩy xe cho Huệ. Hốt nhiên trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra một Lý Sơn sâu thẳm. Cái tình ấy cũng như những bãi đá, bãi cát vây quanh hòn đảo Bé xinh đẹp này. Không biết rồi mai đây những dự án nghìn tỷ chuẩn bị đổ bộ đến có làm phôi pha vẻ nguyên sơ trong lành của nó. Mãi gần đây, với một chiếc xe điện được nhà hảo tâm hỗ trợ, Huệ đã có thể dùng chở du khách thăm đảo Bé.

Đêm cuối cùng ở Lý Sơn chúng tôi lên đỉnh Thới Lới, điểm cao nhất trên Lý Sơn, ngồi dưới chân cột cờ được xây dựng bằng đóng góp của sinh viên cả nước. Từ nơi đây, nhìn ra trùng khơi ánh đèn trên những thuyền đánh cá như chuỗi ngọc lấp lánh biển đêm. Trên đỉnh cột, lá cờ Tổ quốc phần phật reo cùng ngọn gió từ phía đông thổi đến, dường như nghe trong gió những âm thanh thổi về từ Hoàng Sa. Tiếng của những hùng binh tự ngàn xưa đi giữ cõi, tiếng của những người ngư phủ đã nằm lại biển khơi như Nguyễn Đảng, Hồ Văn Lâm, Nguyễn Hoàng, Trần Văn Lành, Trương Văn Tiến, Lê Minh Tân… chỉ như mới hôm qua.

Gió vẫn thổi từ Hoàng Sa về Lý Sơn, như ngàn năm qua vẫn thế, mãi muôn sau còn thổi, nhắc nhở rằng một phần máu thịt Tổ quốc mình còn khắc khoải giữa trùng dương.

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.