Multimedia Đọc Báo in

Thăm thẳm đại ngàn

10:16, 02/02/2022

Trong sử thi Tây Nguyên, những nhân vật chính như Đam San, Xinh Nhã, Lêng, Yang... được ngợi ca là những người hoàn hảo, dũng cảm, oai hùng, làm việc hăng say, sức khỏe phi thường, là chỗ dựa của cộng đồng.

Những nhân vật trong sử thi được lý tưởng hóa với diện mạo, vóc dáng, ngoại hình cuốn hút mọi người. Đó là vẻ đẹp về tóc, khố áo, phục sức, trang bị những vật dụng cá nhân, khí giới phòng thân và hộ vệ buôn làng. Những dáng vẻ đó không chỉ được miêu tả trong sử thi, truyện cổ mà còn lưu truyền, gìn giữ và bồi đắp trong cuộc sống hiện tại.

Đàn ông các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có nét tương đồng về phục sức. Trang phục của họ còn bảo lưu dấu ấn cội nguồn như tấm khố, áo choàng quấn, trang sức lông chim, xăm mình, hóa trang trên mặt. Họ mặc khố, che nửa thân dưới, phía trên ở trần lộ những hình xăm trên ngực, vai, cánh tay, cằm, trán...

Họ dùng phẩm màu, bùn đất, nhọ nồi bôi trên mặt và đeo mặt nạ hóa trang thành người viễn cổ có nét dị thường để đe dọa thú dữ và kẻ thù. Đặc biệt, một số loại hình trang phục không chỉ giúp che đậy thân thể mà còn toát lên dáng vẻ, tư thế của đấng mày râu. Nhiều dân tộc nơi đây đều có loại áo làm bằng vải hoặc bằng chăn mà người M’nông gọi là áo r’hăp.

Người ta choàng tấm áo này khi đi dự lễ hội hoặc lúc đi họp để bàn bạc hoặc đấu tranh vụ việc gì. Đi đánh giặc cũng cần loại áo này vì nơi lồng ngực có nhiều lớp vải, chăn che chắn. Khi địch thủ bắn ná hoặc phóng lao, lồng ngực và quả tim đã được bảo vệ bằng nhiều lớp vải.

Người mặc chiếc áo này cũng tăng vẻ oai hùng, khiến cho mọi người kính trọng, đối thủ khiếp sợ. Ngày xưa, ngoài chủ làng, già làng, tộc trưởng, những thanh niên tiến bộ, ăn nói lưu loát, có uy tín với buôn làng, được mọi người nể trọng, thay mặt buôn làng đứng ra đấu tranh và giải quyết vụ việc quan trọng thì được mặc trang phục này. 

Điệu múa tung khắc mạnh mẽ, sôi động của trai làng Êđê.

Trong các cuộc chiến tranh bộ lạc, thị tộc trước đây, những chiến binh cổ đại được trang bị vũ khí cổ sơ như lao, tên ná, khiên giáo. Đặc biệt, khiên là loại vũ khí chống đỡ, tự vệ khá phổ biến, lợi hại khi cận chiến. Chiếc khiên đẽo bằng gỗ, chế tạo bằng kim loại, được sử dụng khi đánh nhau để cản đẩy mũi tên, ngọn lao, đường kiếm nguy hiểm từ phía kẻ địch. Đối với nhiều dân tộc, chiếc khiên còn được sử dụng như đạo cụ minh họa các điệu múa của nam giới, trai tráng trong các lễ hội ở buôn làng. Loại vũ khí chiến đấu, tự vệ trước đây đã được đưa vào “nghệ thuật múa” - gọi là điệu múa khiên. Đây là điệu múa phổ biến của nhiều tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đối với người Cơ Tu, Tân tung là điệu múa của đàn ông. Khi diễn xướng, ngoài tấm áo choàng từ lưng xuống vai, từ vai xuống bụng và chiếc khố chữ T, người múa còn có đạo cụ là chiếc gùi (ta leo), những vũ khí của một chiến binh thời cổ như khiên, kiếm, cung nỏ hoặc giáo. Chiếc khiên đã thay đổi chức năng từ vũ khí thành đạo cụ múa nên được trang trí hoa văn đẹp mắt. 

Với dân tộc Êđê, múa khiên là một nghi lễ bắt buộc trong các lễ hội lớn như lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành cho các chàng trai, lễ hội rước kpan (ghế ngồi đánh chiêng trong nhà dài), lễ cúng bến nước... Động tác múa khiên mô phỏng tư thế của một chiến binh: khi gạt, khi đẩy xô về phía trước như đang đánh nhau hoặc rung, lắc nhằm tạo âm thanh, nhịp điệu lúc múa. Cùng với trống h’hơr và chiêng, những quả nhạc, lục lạc, chũm chọe bằng đồng gắn trên bề mặt khiên sẽ tạo ra âm thanh reo vui, rộn ràng khi người múa rung hoặc lắc chiếc khiên. Âm thanh và động tác múa tạo ra nét hùng dũng, oai phong, kiêu hãnh và dữ dội của các chàng trai Tây Nguyên.

Đấu chiêng đôi thể hiện tài nghệ và sức mạnh của trai tráng dân tộc vùng cao.

Bên cạnh nghệ thuật múa khiên còn có cách thức đấu chiêng, đấu trống. Các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên như Bhanar, Chăm Hroi, Cor đã sáng tạo ra một cách diễn tấu đặc sắc, đó là đấu chiêng đôi, đấu trống đôi. Đấu chiêng đôi, đấu trống đôi chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu bởi lối đánh chiêng, đánh trống như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Điệu múa tung khắc của dân tộc Êđê thể hiện rõ phong cách của các chàng trai Tây Nguyên. Họ mặc trang phục với chiếc khố, áo có mảng đỏ mang biểu tượng “đại bàng dang cánh”, vừa nhảy múa vừa đánh trống, âm điệu mạnh mẽ, rộn ràng, tươi vui.

Những dũng sĩ của núi rừng đủ sức vóc bảo vệ buôn làng, bảo vệ đất nước qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do. Vẻ đẹp về ngoại hình và tâm hồn làm nên vóc dáng, biểu tượng văn hóa của các tộc người. Những yếu tố đó luôn được nuôi dưỡng, bồi đắp và phát huy trong cuộc sống đời thường hay các dịp lễ hội, trở thành di sản, bản sắc, tạo nên sức hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.