Lễ cúng bến nước của người Êđê Drao
Một mùa rẫy bận rộn đã qua. Khi gió mùa xuân đã tràn về lay động đại ngàn, rừng bắt đầu thay áo mới, với người Êđê Drao ở xã Krông Jing (huyện M’Drắk) cũng là lúc một năm cũ đã hết, năm mới đến. Lễ hội cúng bến nước có thể coi như ngày Tết của một cộng đồng, để tạ ơn Yang pin ea đã ban cho một năm đủ đầy dòng nước ngọt lành với cuộc sống của buôn làng.
Lễ cúng bến nước có thể được thực hiện trước hoặc sau những ngày cúng lúa mới của các gia đình. Thời gian tổ chức thường diễn ra vào ngày trăng tròn, để đêm đến cả buôn được cùng chung vui dưới ánh trăng vằng vặc.
Trước ngày lễ diễn ra, chủ buôn sẽ huy động cả làng dọn dẹp vệ sinh. Sau khi tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ, thầy cúng sẽ ra bến nước, cùng với một người giúp việc, làm một chiếc bàn nứa nhỏ ngay bên bờ con nước chuẩn bị cho ngày hôm sau. Việc sắp sửa cho lễ cúng bắt đầu từ khi mặt trời chưa lên tỏ cho tới tận khi trăng lặn xuống phía bên kia rừng là hoàn tất. Xong hết các lễ thức trong nhà dài, lễ cúng bến nước sẽ bắt đầu, xong nghi lễ là vào hội vui luôn.
Cả buôn cùng ra bến nước. |
Khi dàn ching knah nổi lên bài ching ngăn mở đầu, cả buôn tụ tập tại nhà chủ bến nước trong trang phục truyền thống mới, đẹp. Những ghè rượu được buộc kéo dài vào cột gâng. Tiếng ching knah chuyển điệu tấu lên một hồi khác báo hiệu, là lúc thầy cúng hút từ một ché đầu tiên ra một bầu rượu hòa huyết con vật hiến sinh, rồi cùng chủ buôn và các trưởng dòng họ dẫn đầu đội hình ra bến nước để tiến hành nghi lễ. Lễ vật mang theo là ba ghè rượu, nửa trên của con heo nhỏ, hai con gà đã luộc chín gồm đầy đủ bộ lòng và mỗi bộ phận một ít thịt của con heo đã nấu chín. Nối tiếp bước chân các vị có vai vế trong buôn là dàn ching knah, sau nữa là đội múa nữ. Tất cả vừa đi vừa tấu ching và múa. Cuối cùng là toàn thể người dân trong buôn, họ đi thẳng tới nơi, không dừng lại ở chỗ nào trên đường.
Đoàn người đến bến nước đứng quây xung quanh, chờ thầy cúng bày lễ, rót rượu từ chiếc bầu ra bát đồng và xem xét lại các lễ vật xếp trên những mảnh lá chuối trên mặt đất cạnh suối để cúng thần đất và trên sàn nước để cúng thần nước. Tiếng ching knah sẽ nổi lên trước lời khấn vái. Thầy cúng vừa mời các thần linh về chứng giám, vừa tỏ bày lòng biết ơn của buôn làng đã được các Yang ban cho một năm mưa thuận gió hòa, nước sinh hoạt đầy đủ cả hai mùa. Đồng thời cũng mời các yang atâo - linh hồn tổ tiên các dòng họ về buôn cùng chung vui với cộng đồng. Trong tiếng ching dồn dập, thầy cúng dùng bầu rượu huyết rưới lên các tàu lá chuối đựng lễ vật đặt trên mặt đất. Xong xuôi lại khấn lần thứ hai với thần nước, trước các lễ vật đặt trên sàn nứa, trên mặt suối. Bầu rượu huyết tiếp tục được rưới xuống dòng nước, như báo với các vị Yang linh thiêng buôn làng đã dâng lễ hiến sinh để tạ ơn.
Thầy cúng khấn Yang bến nước. |
Dòng rượu huyết chảy từ trên sàn nứa xuống, hòa vào và tan đi trong dòng nước suối, thầy cúng thả một vài miếng phổi heo xuống suối cho trôi đi, ấy chính là các vị thần linh đã nhận lễ của buôn làng. Chủ bến nước, thầy cúng và già làng sẽ ăn mỗi người một miếng gan đã luộc chín. Thầy cúng mời chủ bến nước uống ghè rượu đầu tiên, sau đó lần lượt đến các vị chức sắc trong buôn và các khách mời. Nghi thức đến đây tạm coi là xong. Trong tiếng ching knah điểm nhịp, mọi người cùng nhau quay trở lại nhà chủ bến nước để tiến hành tiếp một lễ cúng khác là lễ chúc sức khỏe cho chủ bến nước. Xong lễ này cũng là lúc bóng đêm sụp xuống, phần hội bắt đầu. Cả buôn sẽ cùng nhau ăn, uống chung những ché rượu cần và vui múa hát xung quanh đống lửa giữa sân nhà chủ buôn. Nhà ai có món gì cũng mang tới, từ ghè rượu đến ống cơm, ống thịt. Nhà nọ mời nhà kia chung vui.
Lễ hội kết thúc, mùa xuân tuy chưa qua, nhưng cũng là lúc mùa dọn rẫy đã đến, người ta lại chuẩn bị một lễ cúng nhỏ xin phép các vị thần linh thiêng để tất bật chuẩn bị cho một mùa gieo trồng mới. Những hạt lúa, hạt ngô, trái bí, trái bầu rồi sẽ lại nảy mầm, đơm hoa ra trái trong ấp ủ yêu thương của miền bazan đất đỏ. Cuộc sống sinh sôi trên cao nguyên mênh mông.
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc