Multimedia Đọc Báo in

Ngân vang đàn tính, hát then

07:26, 09/02/2022

Rời quê hương đến lập nghiệp ở xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) đã hơn 20 năm nhưng bà con dân tộc Tày, Nùng ở các thôn 4A, 4B vẫn gìn giữ nghệ thuật đàn tính, hát then, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa các dân tộc trên vùng đất cao nguyên.

Từ 4 thành viên hoạt động tự phát ban đầu, đến nay Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Cư Mốt đã phát triển lên 20 thành viên tham gia, chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng từ quê hương Cao Bằng vào lập nghiệp ở đây. Vào những ngày cuối tuần, các cô, các bà lại tập hợp cùng nhau tập luyện, biểu diễn những làn điệu hát then cổ để vừa thỏa mãn đam mê, vơi bớt nỗi nhớ quê hương, vừa gìn giữ nghệ thuật văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để phục vụ cho niềm đam mê, các thành viên trong câu lạc bộ tự bỏ tiền mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn.

Các thành viên Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Cư Mốt trong một buổi tập luyện.

Từ khi câu lạc bộ được thành lập, mỗi khi trong thôn, trong xã có các sự kiện quan trọng, các thành viên đều nhiệt tình biểu diễn. Câu lạc bộ còn tham gia tranh tài trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ dân gian trong huyện, trong tỉnh. Các bài hát then có chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu và tình yêu đôi lứa, góp phần xua đi những mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống lao động sản xuất, nói lên ước mơ, khát vọng của người dân với giai điệu ngọt ngào, mượt mà cuốn hút người nghe. Bà Nông Thị Bành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ là người cao tuổi nhất. Bà Bành đã học đàn tính, hát then từ khi còn rất nhỏ và niềm say mê môn nghệ thuật truyền thống này đã ngấm vào máu thịt. Đau đáu với nỗi lo mai một văn hóa truyền thống, bà Bành và các thành viên trong câu lạc bộ luôn dành nhiều thời gian  truyền dạy cho thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận thật sự đam mê để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.