Multimedia Đọc Báo in

Người Mông ở Cư Pui bảo tồn văn hóa truyền thống

08:25, 10/02/2022

Xã vùng sâu Cư Pui (huyện Krông Bông) có 7 thôn đồng bào di cư, trong đó có 6 thôn người Mông với 1.240 hộ, 8.207 khẩu. Mặc dù rời quê hương vào đây lập nghiệp đã hàng chục năm nhưng người Mông ở Cư Pui vẫn còn giữ được rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.

Ông Lý Văn Páo (thôn Ea Rớt) biết thổi khèn Mông từ khi còn là thanh niên. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn giữ được chiếc khèn đã gần 20 năm tuổi. Mỗi khi trong thôn tổ chức sự kiện gì ông đều trổ tài thổi khèn. Còn anh Lù Chứ Ly (thôn Ea Uôl) được bố dạy thổi khèn từ khi mới 12 tuổi và thổi khèn Mông trở thành niềm đam mê của anh suốt nhiều năm qua. Mỗi khi thôn, xã hay huyện tổ chức liên hoan, hội diễn văn nghệ truyền thống, lễ hội đầu Xuân anh đều mang khèn đến biểu diễn. Không những vậy, anh còn dạy hai con trai của mình thổi khèn Mông trở nên thành thạo. Anh Lù Chứ Ly cũng là thành viên trong đoàn nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tổ chức tại tỉnh Lai Châu vừa qua và đã đạt giải B với tiết mục diễn tấu khèn đôi. Duy trì và gìn giữ nghệ thuật khèn Mông nơi quê hương mới là niềm mong mỏi của những nghệ nhân khèn Mông như ông Páo và anh Ly.

Ông Lý Văn Páo (thôn Ea Rớt) biểu diễn thổi khèn Mông.

Điều đáng mừng là một bộ phận lớp trẻ người Mông ở xã Cư Pui hiện đã bắt đầu quan tâm đến văn hóa truyền thống. Như em Sính Mý Sì ở thôn Ea Lang mới 20 tuổi nhưng đã đạt giải A tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III với tiết mục “độc tấu sáo Mông”. Có năng khiếu, lại đam mê nên dù mới làm quen với cây sáo và tự học trên mạng Internet được hơn 1 năm nhưng chàng thanh niên dân tộc Mông này thổi thành thạo được nhiều loại sáo. Hay vợ chồng đảng viên trẻ Hoàng Văn Thề, Vương Thị Nhung ở thôn Ea Uôl cũng rất tâm huyết, nỗ lực để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mình. Tuy công tác bận rộn (anh Thề hiện là Bí thư Chi bộ, chị Nhung là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn) nhưng anh chị luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương.

Chị Nhung (bên trái) cùng với những mẫu váy áo truyền thống dân tộc Mông do chị tự thiết kế và may

Trong những năm qua, chị Nhung đã dạy cho lớp trẻ trong thôn hàng chục bài hát, bài múa để tham gia các hội thi, hội diễn. Tại Ngày hội Văn hóa toàn quốc dân tộc Mông lần thứ II năm 2016 tổ chức tại tỉnh Hà Giang và lần thứ III năm 2021 tổ chức tại tỉnh Lai Châu, chị Nhung đạt giải A về biểu diễn trang phục truyền thống, giải B tiết mục hát dân ca, giải B làm bánh dày. Chị Nhung còn là thợ chuyên may về áo váy truyền thống của dân tộc Mông.   

Góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Mông, từ năm 2010, UBND xã Cư Pui đã hỗ trợ kinh phí, phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc tại 6 thôn đồng bào Mông với quy mô cấp huyện vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Và đến nay lễ hội đã trở thành điểm đến của hàng nghìn người vào dịp đầu Xuân. Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian của người Mông như: ném còn, nép cù, kéo co, đẩy gậy… và hội chọi bò đặc sắc luôn thu hút đông người xem.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.